>>> Bài 1: Đưa nghị quyết “hoá thân” vào cuộc sống
>>> Bài 3: Từ “tam nông” đến những miền quê đáng sống>>> Bài 4: Định hình tương lai “tam nông” Hà Nội>>> Bài 5: Nghị quyết “tam nông” không thể thiếu trong tình hình mớiĐột phá từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Hà Nội cụ thể hóa bằng việc ban hành, triển khai đồng bộ nhiều nghị quyết, đề án, chính sách. Có thể kể tới một số nghị quyết của HĐND TP về cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn thực phẩm; Khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung. Ngoài ra còn có các đề án về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất và tiêu thụ chè, cây ăn quả, hoa - cây cảnh, lúa hàng hóa chất lượng cao…
Trên cơ sở phát huy thế mạnh và những đặc thù riêng có, Hà Nội đã kiên trì mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp Thủ đô, giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Tứ chia sẻ, với gần 10ha trồng hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp với du lịch sinh thái, mỗi năm hợp tác xã đón khoảng 20.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt trên 10 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ mô hình trồng hoa công nghệ cao tại xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) cho biết, với diện tích hơn 2ha chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng hoa, cây cảnhứng dụng công nghệ cao, mỗi năm gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng. Mô hình còn giúp tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Thống kê đến nay, Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung (từ 50ha - 300ha/vùng) với tổng diện tích hơn 40.000ha; hơn 5.000ha rau an toàn, 50ha rau hữu cơ; 50 vùng trồng hoa chất lượng cao. Diện tích cây ăn quả của TP đã lên tới 22.000ha, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản có nhãn hiệu, thương hiệu.
Cùngvới lĩnh vực trồng trọt, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng có sự chuyển dịch lớn. Từ việc đầu tư chuồng trại khép kín, phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, sản lượng thịt lợn, gia cầm, thủy sản bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.
Không thể phủ nhận, những chính sách cụ thể hóa Nghị quyết số 26 đã tạo “làn gió mới” mát lành cho ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển khởi sắc, giữ vững vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của TP đạt gần 54.500 tỷ đồng, tăng 270,6% so với năm 2008. Đáng ghi nhận, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực; tỷ trọng lĩnh vực thủy sản, dịch vụ nông nghiệp tăng, tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt giảm.
Mở đường cho nông nghiệp công nghệ cao
Gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp của Nghị quyết số 26, Hà Nội tập trung đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại… Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP.
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dù có quy mô còn khiêm tốn, nhưng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, phù hợp với thực tế phát triển của Hà Nội. Không ít mô hình đã trở thành điểm sáng để các địa phương khác đến học hỏi, nhân rộng.
Công nghệ chọn tạo giống gia súc chất lượng cao và chuồng trại khép kín được áp dụng trong chăn nuôi, giúp mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Ảnh: Trọng Tùng. |
Điển hình như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất) với mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu kết hợp với du lịch và nghỉ dưỡng; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất; hay mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản, năng suất đạt 3 tấn/ngày...
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao F-Fame (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) chia sẻ, nông trại có diện tích hơn 3.800m2 hiện trồng khoảng 70.000 cây hoa lan hồ điệp. Toàn bộ khu vực trồng lan được đầu tư xây dựng nhà lưới, với hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng và tưới nước giúp cây trồng phát triển ổn định trong mọi điều kiện thời tiết, cũng như kiểm soát được thời điểm ra hoa, lại không cần sử dụng nhiều lao động.
“Lá cờ đầu” trong phát triểnsản phẩm OCOP
Một trong những chương trình mang lại hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn của Hà Nội là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020; UBND TP đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai, với mục tiêu đến hết năm 2020, sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy - HĐND - UBND TP, các sở, banngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị tư vấn, sự vào cuộc đồng bộ của Nhân dân, đến nay, TP đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm. Trong đó, có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao, 306 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm OCOP của Hà Nội còn khá đa dạng với nhiều lĩnh vực, ngành hàng như: Thực phẩm, đồ lưu niệm, nội thất, đồ uống, sản phẩm thảo dược, may mặc... Kết quả này đưa Hà Nội trở thành địa phương có số sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng lớn nhất của cả nước.
Chương trình OCOP của Hà Nội những năm qua đã thu hút sự tham gia, đồng hành phát triển của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý khi Chương trình đã và đang tạo hiệu ứng lan tỏa, mang lại ý nghĩa lớn về mặt xã hội khi giúp giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động ở khu vực nông thôn.
Điểm nổi bật là rất nhiều chủ thể đã ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, tạo nên những sản phẩm có chất lượng cao. Điển hình như: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) sản xuất được Trung ương đánh giá, chứng nhận đạt 5 sao OCOP.
Cùng với mang lại lợi ích kinh tế cho chủ thể, Chương trình OCOP còn hướng đến thay đổi tư duy sản xuất của chủ thể, giúp nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm. Bà Nguyễn Phi Thanh Vân, lần đầu tiên đưa sản phẩm bún gạo lứt và phở gạo lứt (huyện Hoài Đức) tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chia sẻ, khi tham gia Chương trình OCOP, gia đình phải bảo đảm nhiều tiêu chí trong sản xuất như: 100% nguyên liệu sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; quá trình sản xuất không sử dụng phẩm màu, hóa chất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận chính là cơ sở pháp lý để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, kinh tế nông thôn phát triển góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến đầu năm 2021 đạt 55 triệu đồng/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng… Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn TP đạt 90,1%. 100% số xã được kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại. |