Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dẫu muốn cũng không dám

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chẳng khác gì dội gáo nước lạnh lên đầu tất cả những ai ở trong cũng như ngoài nước Mỹ, đặc biệt là với Tổng thống Ukraine, khi không đưa Nga vào diện những quốc gia trên thế giới bị Mỹ coi là khủng bố hoặc hậu thuẫn khủng bố.

Hiện tại, danh sách này của Mỹ bao gồm Iran, Triều Tiên, Syria và Cuba.

Với động thái mới này, Mỹ cho thấy không phải luôn sẵn sàng đáp ứng bất kỳ mong muốn và đòi hỏi nào của phía Ukraine trong bối cảnh chiến sự dai dẳng giữa Nga và Ukraine. Ngay cả khi đến thời điểm hiện tại, Mỹ là thành viên NATO hậu thuẫn Ukraine nhiệt tình nhất về chính trị, tài chính cũng như quân sự để Ukraine đối địch quân sự với Nga.

Thật ra, phía chính quyền của ông Biden không dám liệt Nga vào danh sách nói trên. Trong chuyện này, ông Biden và cộng sự chịu áp lực rất mạnh mẽ từ phía lưỡng viện lập pháp ở Mỹ và các đồng minh. Nhưng vì cái phản tác dụng quá lớn nên chính phủ Mỹ mới không dám. Đối với Mỹ, Nga không giống như 4 nước nói trên về mọi phương diện.

Nga có thể trả đũa Mỹ và đồng minh theo những cách thức, với những mức độ và hiệu ứng mà 4 nước kia không có khả năng làm. Mỹ và đồng minh hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ để Nga không thể thắng được trong cuộc chiến ở Ukraine nhưng lại phải luôn để ngỏ cơ hội và giữ dư địa cho giải pháp chính trị ngoại giao.

Một khi đã coi Nga là quốc gia khủng bố hoặc hậu thuẫn khủng bố, chính phủ Mỹ bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý của mình về xử lý quan hệ với các đối tác bên ngoài bị coi là như vậy khiến cho rất khó có thể linh hoạt quyền biến trong xử lý quan hệ với Nga.

Phản ứng của Nga sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho Mỹ và đồng minh cũng như cho chính Ukraine, hệ lụy và hậu quả rất khó có thể lường hết được đối với Mỹ và đồng minh cũng như đối với diễn biến tiếp theo của cuộc chiến ở Ukraine. Cho nên Mỹ không dám để cho tình cảm thắng lý trí trong chuyện này.