Nội dung thanh tra tập trung vào các nội dung như: Việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, công tác đấu thầu, việc triển khai một số dự án về đầu tư công; việc chấp hành pháp luật theo phương thức đối tác công - tư (PPP); hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư...
Có thể nói, đây vốn là những nội dung mà địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận có nhiều ý kiến... Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo, song tình hình giải ngân vốn đầu tư công chưa cải thiện được nhiều. Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” đoàn giám sát Quốc hội khóa XV chỉ ra sai phạm tại các dự án đầu tư công đã gây thất thoát, lãng phí 31.795 tỷ đồng. Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán. Số lượng dự án đầu tư công chậm tiến độ có xu hướng tăng dần qua các năm.
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt các sai phạm của các dự án BOT và BT, gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Một số địa phương giao đất thanh toán cho dự án BT chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp...
Trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, đầu tư, mua sắm, quản lý, khai thác trang thiết bị y tế, đầu tư các dự án bệnh viện, cơ sở y tế còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, không hiệu quả.
Trong lĩnh vực đầu tư, hiệu quả kinh tế của nhiều DN FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi được hưởng. Ngày càng nhiều DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt kể từ năm 2015 tới nay. Song bên cạnh đó, cũng có những “trái đắng” trong đầu tư ra nước ngoài, một số dự án thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, có tình trạng lách luật…
Về công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch. Kế hoạch sử dụng đất thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Hệ quả là tác động tiêu cực từ sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản, hiện tượng đầu cơ đất, tăng giá đột biến...
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt mức rất cao, nhưng vẫn có tới gần 112.700 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021. Dù tăng trưởng kinh tế tốt lên, song tốc độ giải ngân của các chương trình phục hồi kinh tế còn chậm, chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ, dẫn đến thực trạng là phải đóng cửa.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành KH&ĐT nhằm chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành; thực thi nhiệm vụ được giao. Kế hoạch thanh tra chuyên ngành sau khi được ban hành phải được theo dõi, đánh giá việc thực hiện, đồng thời tiến hành sơ kết, tổng kết nhằm nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật đối với những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước.
Bộ KH&ĐT cũng cần nhanh chóng thành lập các đoàn công tác để tới từng dự án, vào từng DN, xuống từng địa phương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân, vừa chống suy giảm kinh tế, vừa để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển trong tương lai. Chủ động xây dựng tham mưu các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi và hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.