Để phân loại rác tại nguồn hiệu quả

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn một tháng nữa, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chính thức có hiệu lực...

Với việc bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, Nghị định được đánh giá là “nặng ký” để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Theo quy định hiện hành, tức Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Có lẽ vì thế mà thói quen xả rác vừa bãi, bỏ rác lẫn lộn chưa qua phân loại đang trở thành mối nguy cho công tác bảo vệ môi trường cũng như lãng phí tài nguyên.

Bởi lẽ, nếu rác thải sinh hoạt được phân loại tại nguồn sẽ không chỉ góp phần tiết kiệm được tài nguyên, tạo thuận lợi trong việc tận dụng phế liệu để tái chế mà còn giảm thiểu được ô nhiễm, giảm tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Vì thế, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) có hiệu lực vào ngày 25/8 tới đây, với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định được đánh giá là chế tài mạnh, đủ để ngăn chặn hành vi vi phạm, hạn chế tối đa những hệ lụy nói trên.

Tuy nhiên, theo khoản 7 của Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 25/8 (ngày Nghị định 45/2022 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31/12/2024, tuỳ thuộc vào tình hình, đặc điểm của từng tỉnh, TP mà sẽ có lộ trình triển khai phù hợp trong thực hiện và áp dụng chế tài liên quan đến vấn đề phân loại rác tại nguồn.

Mặc dù vậy, chúng ta đều mong chờ TP Hà Nội sẽ sớm có hướng dẫn triển khai để Thủ đô đi đầu trong việc phân loại rác tại nguồn một cách hiệu quả. Bởi Hà Nội từng là địa phương đi đầu của cả nước triển khai thí điểm phân loại rác giai đoạn 2006 - 2009 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và đã thu được những thành công ngoài mong đợi.

Sau khi kết thúc việc thí điểm, việc phân loại rác tại các phường ở Hà Nội vẫn tiếp tục được thực hiện, tuy gặp không ít khó khăn và cuối cùng vẫn ở tình trạng “đẽo cày giữa đường” vì nhiều lý do.

Thiết nghĩ, khi pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện, quy định chi tiết các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, những khó khăn trong phân loại rác tại nguồn sẽ được Hà Nội sớm có phương án giải quyết. Các hộ gia đình, cá nhân tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, không vì lợi ích trước mắt mà để lại hậu quả nặng nề cho xã hội trong công cuộc bảo vệ môi trường.

Để đạt được sự đồng thuận, chung tay trong việc thực hiện quy định mới này, Hà Nội nên chăng cần áp dụng các biện pháp khuyến khích về kinh tế đối với người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng như với các cơ sở chế biến phân compost (được chi trả cho công tác xử lý).

Bên cạnh đó, cần cải thiện công tác thu gom thông qua ứng dụng trạm trung chuyển hoặc các cơ sở xử lý trung gian. Đồng thời, thay đổi quy trình tác nghiệp của người công nhân để tập trung hơn vào công tác hướng dẫn thay vì quét đường; tuyển dụng và tập huấn công nhân thu gom đảm bảo chất lượng tham gia hướng dẫn người dân.

Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động giáo dục môi trường, nhất là tại cấp xã, phường, các trường học... Có như vậy mới mong thực hiện hiệu quả quy định phân loại rác tại nguồn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần