Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tước phù hiệu xe ô tô vượt quá tốc độ 3 lần trong ngày

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, Cục đề xuất sửa đổi một số quy định xử phạt ô tô vi phạm tốc độ.

Theo quy định hiện hành, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi một tháng xe có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy.

Tuy nhiên, Cục Đường bộ cho rằng, quy định này chưa đảm bảo tính kịp thời đối với các trường hợp vi phạm khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Để nâng cao ý thức chấp hành quy định về tốc độ của người lái xe và đơn vị vận tải, Cục đề xuất các đơn vị trên sẽ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong một ngày.

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phương tiện có từ 3 lần vi phạm tốc độ trong ngày trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h) sẽ bị thu hồi phù hiệu.

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phương tiện có từ 3 lần vi phạm tốc độ trong ngày trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h) sẽ bị thu hồi phù hiệu.
Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phương tiện có từ 3 lần vi phạm tốc độ trong ngày trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h) sẽ bị thu hồi phù hiệu.

Tình trạng xe chạy quá tốc độ cũng được hệ thống giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm tốc độ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông. Hiện cảnh sát mới phạt nguội lỗi này qua camera, chưa xử phạt theo hệ thống giám sát hành trình của Cục Đường bộ.

Với chức năng quản lý, Sở GTVT các địa phương sẽ ra quyết định tước phù hiệu, biển hiệu sau khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục. Khi bị tước phù hiệu, những xe này không được tham gia hoạt động kinh doanh vận tải.

Đối với xe chở khách theo dạng hợp đồng, Cục Đường bộ đề xuất hai phương án để quản lý. Cụ thể, phương án 1, trong thời gian một tháng, mỗi ô tô không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu và điểm cuối hoặc hành trình trùng lặp;

Phạm vi trùng lặp điểm đầu, cuối được tính theo địa giới hành chính của một đơn vị hành chính cấp xã; tổng số chuyến xe được tính theo chiều đi hoặc chiều về.

Việc xác định điểm đầu, điểm cuối của xe được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thông tin của hợp đồng vận chuyển đã ký kết hoặc bằng các biện pháp khác.

Phương án 2, tương tự phương án 1, chỉ khác trong thời gian một tháng, mỗi ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu, cuối hoặc có hành trình trùng lặp…

Đối với xe chở khách du lịch, Cục Đường bộ đề xuất mỗi chuyến đi chỉ được đón, trả khách tại một địa điểm theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Ngoài ra, xe chở khách du lịch cũng không được đón, trả khách từ ba ngày liên tiếp trở lên hoặc có trên 10 ngày trong một tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác.

“Quy định trên để làm căn cứ xác định vi phạm, đồng thời để kiểm soát hoạt động của xe hợp đồng, hạn chế tình trạng xe chạy như tuyến cố định, thực hiện đón trả khách như tuyến cố định…”, Cục Đường bộ lý giải.