Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đi tìm "Góc khuất" giá cả đắt đỏ ở Phú Quốc

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những ngày qua nhiều ý kiến lên tiếng về tình trạng “chặt chém” giá cả hải sản và các dịch vụ tại Phú Quốc (Kiên Giang) cao ngất ngưỡng khiến khách du lịch quay đầu. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã tìm hiểu những “góc khuất” đằng sau việc giá cả tăng cao.

Giá cao để chi hoa hồng?

Tại Phú Quốc, từ việc tham quan, mua sắm, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vận chuyển đều phải chi hoa hồng cho "cò mồi khách" với nhiều mức giá khác nhau. Bởi, nếu không chi hoa hồng thì nhà hàng, cơ sở kinh doanh không có khách, luôn trong tình trạng ế ẩm. Do vậy, buộc các đơn vị cung cấp dịch vụ phải tăng giá để lấy phần chênh lệch chi hoa hồng cho “cò mồi” để được đưa khách đến. 

Giá cả hải sản tại Phú Quốc được niêm yết giá cụ thể. Ảnh Hữu Tuấn
Giá cả hải sản tại Phú Quốc được niêm yết giá cụ thể. Ảnh Hữu Tuấn

Chia sẻ với phóng viên, ông N.V.T - lái xe taxi tại Phú Quốc cho biết, một ngày ông T. kiếm cả triệu tiền hoa hồng khi chở khách tới sử dụng các dịch vụ trên địa bàn. Chở khách đến tham quan một cửa hàng trang sức ở Dương Tơ, chưa biết khách có mua hay không thì ông T. đã được 100.000 đồng tiền cổng, nếu khách mua hàng thì sẽ được hưởng 20% hoa hồng với tổng giá trị sản phẩm.

Để thu hút lái xe đưa khách đến nhiều nhà hàng phải chi 20% tổng dịch vụ khách sử dụng. Ảnh Hữu Tuấn
Để thu hút lái xe đưa khách đến nhiều nhà hàng phải chi 20% tổng dịch vụ khách sử dụng. Ảnh Hữu Tuấn

“Các mặt hàng như ngọc trai, nước mắm hay nhà hàng, massages… khi đưa khách tới điều có "chung chi", nên cánh tài xế họ chỉ mong chở khách tới các điểm tham quan để kiếm tiền hoa hồng, thay vì làm tốt việc phục vụ khách” ông T. cho hay.

Trong khi đó, ông H.V.Q, một lái xe taxi công nghệ cho rằng: Nhiều khách bị chặt chém vì không tìm hiểu giá cả dịch vụ, khách ra chợ đêm Phú Quốc tham quan được nhiều lái xe mời đi tour với giá chỉ vài trăm ngàn, sau khi đi tour lái xe sẽ chở khách ghé những điểm tham quan có tiền “hoa hồng”. Khi khách phản ứng thì lái xe thả khách giữa đường, mặc kệ khách có phản ứng bao nhiêu đi chăng nữa.

Vào vai một lái xe - phóng viên chở khách tới một địa điểm mua đồ khô tại xã Hàm Ninh, khi khách mua đồ, lái xe (PV) hỏi nhân viên bán hàng chi bao nhiêu % thì nhận được câu trả lời 15%, tổng hóa đơn khách mua đồ tại cửa hàng.

Trần tình với phóng viên, chủ một nhà hàng (giấu tên) tại phường Dương Đông cho hay, tất cả các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Phú Quốc đều niêm yết giá cụ thể.

Tuy nhiên, để chi hoa hồng cho lái xe, hướng dẫn viên du lịch khi đưa khách tới nhà hàng ăn thì bảng giá sẽ cao hơn so với giá thường. Tùy theo nhà hàng lớn, nhỏ để chi % theo hóa đơn hoặc chi tiền theo đầu người, mức chi từ 20% trở lên, theo đầu người thì từ 30.000 đồng trở lên.

Ăn uống cũng bị đẩy giá giá cao  để chi cho "cò" . Ảnh Hữu Tuấn
Ăn uống cũng bị đẩy giá giá cao  để chi cho "cò" . Ảnh Hữu Tuấn

Ngoài ra, chủ nhà hàng này còn thông tin thêm, không chỉ chi % và tiền đầu người cho lái xe đưa khách đến ăn, mà còn phải lo suất ăn, nước uống cho lái xe thì mới được có khách do lái xe chở đến, cuối năm còn phải quà cáp cho lái xe nếu chở khách tới nhà hàng thường xuyên….

Không chỉ các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ mua sắm, giải trí, massager… mà nhiều cơ sở lưu trú cũng chi % hoa hồng cho lái xe khi chở khách tới để thuê ở. Việc chi hoa hồng cho lái xe, hướng dẫn viên hoặc những “cò”, như một luật bất thành văn đối với nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Phú Quốc.

Giá mặt bằng cao góp phần đẩy giá lên cao

Ngoài việc phải chi hoa hồng cao, cho lái xe, hướng dẫn viên thì các chủ nhà hàng, các điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn thành phố phải trả giá thuê mặt bằng cao so với nhiều nơi khác trên cả nước.

Khách du lịch đến Phú Quốc suy giảm trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Ảnh Hữu Tuấn
Khách du lịch đến Phú Quốc suy giảm trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Ảnh Hữu Tuấn

Chia sẻ với phóng viên, để thuê một mặt bằng bán quán ăn tại trung tâm thành phố (khoảng vài chục mết vuông) thì phải trả 20 triệu đồng đồng/tháng. Tại chợ đêm giá mặt bằng 40-50m2, có giá khoảng 50 triệu đồng/tháng. Còn những nhà hàng, quán ăn lớn thì tiền cho thuê mặt bằng lên đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, chưa kể các chi phí khác như: giá các mặt hàng thức ăn, nước uống, nhân công, tiền điện nước, chi hoa hồng cho lái xe đưa khách tới quán ăn… đã góp phần làm cho giá cả đắt đỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết mặt hàng sinh hoạt trên địa bàn Phú Quốc đều được vận chuyển từ đất liền ra, chỉ trừ các mặt hàng hải sản được đánh bắt tại vùng biển của đảo. Bình thường giá rau củ quả cao từ 1,5 lần so với đất liền, chưa kể vào mùa mưa bão thì giá các mặt hàng tăng gấp đôi, gấp ba có mặt hàng tăng gấp 4 so với ngày thường.

Chợ đêm Phú Quốc một trong những điểm đến được khách du lịch ưa chuộng. Ảnh Hữu Tuấn
Chợ đêm Phú Quốc một trong những điểm đến được khách du lịch ưa chuộng. Ảnh Hữu Tuấn
 

"Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, Phú Quốc đón 112.635 lượt khách, giảm 11,5 % so với cùng kỳ; trong đó có 6.800 lượt khách quốc tế, tăng 58,1% so với cùng kỳ; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ".

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, địa phương luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của khách để hoàn thiện và góp phần đưa du lịch Phú Quốc phát triển. Thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo xã, phường và các phòng ban chuyên môn đi kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang ông Bùi Quốc Thái cho hay: Trước thông tin các cơ quan báo chí và mạng xã hội cho rằng khách đến Phú Quốc  ít do giá cả cao, đơn vị sẽ có kế hoạch cho đoàn đi thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ trên địa bàn thành phố.