Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn từ cuộc đối thoại lịch sử giữa ông Trump và tỷ phú Elon Musk

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đối thoại trực tuyến giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk trên X hôm 12/8 đánh dấu sự trở lại quan trọng của ông Trump trên mạng xã hội này kể từ năm 2023.

Trong khoảng 2 giờ đối thoại, hai nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất thời gian qua đề cập đến nhiều chủ đề, trong đó có quan điểm của cựu tổng thống Mỹ về vấn đề nhập cư, kinh tế cũng như tương lai của ngành sản xuất năng lượng.

Trang tin The Hill đã chỉ ra những điểm đáng chú ý của cuộc gặp này:

Màn tái xuất của ông Trump

Thời điểm 12/8 về cơ bản đánh dấu sự trở lại của cựu Tổng thống Trump trên nền tảng mạng xã hội từng làm nên “thương hiệu” của ông trên chính trường và thay đổi nhiều quy tắc xung quanh hoạt động truyền thông của một nhà lãnh đạo quốc gia.

Không chỉ tham gia đối thoại với tỷ phú Musk, ông Trump trước đó còn đăng nhiều thông tin vận động tranh cử của mình trên X. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy cựu tổng thống 78 tuổi có thể sử dụng nền tảng này như kênh truyền thông chủ lực vào thời điểm cuộc đua vào Nhà Trắng đang đến hồi gay cấn.

Ông Trump có thể hoạt động tích cực hơn trên X sau cuộc đối thoại với tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Washington Post
Ông Trump có thể hoạt động tích cực hơn trên X sau cuộc đối thoại với tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Washington Post

Ông Trump từng nổi tiếng với việc đăng nhiều thông tin gây tranh cãi trên X khi mạng xã hội này còn có tên gọi cũ là Twitter. Sau cuộc bạo động ngày 6/1/2021 trước tòa nhà Quốc hội Mỹ, tài khoản của ông Trump trên Twitter và nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác bị đình chỉ với cáo buộc truyền tải những thông điệp “kích động bạo lực”. 

Tài khoản Twitter của cựu tổng thống Trump phải đến năm ngoái mới được khôi phục, sau khi mạng xã hội này được tỷ phú Elon Musk mua lại và đổi tên thành X. Song kể từ đó cho đến trước ngày 12/8 năm nay, ông Trump chỉ đăng duy nhất ảnh chân dung nghi phạm của mình được văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Fulton, bang Georgia (Mỹ) công bố ngày 25/8/2023.

Lý do là vì trong thời điểm đó, cựu tổng thống Mỹ hoạt động chủ yếu trên Truth Social, mạng xã hội do chính ông sáng lập vào tháng 10/2021.

Khai thác nhiều vấn đề hơn

Cuộc đối thoại với tỷ phú Elon Musk được cho là giống như các cuộc vận động tranh cử của ông Trump, khi cựu tổng thống Mỹ chủ yếu khoe các thành tựu lúc còn tại nhiệm đồng thời công kích các đối thủ chính trị của mình.

Song lần này, ông Trump cũng cố gắng tập trung vào nhiều vấn đề hơn, đặc biệt là lạm phát, và tránh đưa ra những bình luận có phần cảm tính – thứ không ít lần khiến ông “mất điểm” trong những lần xuất hiện trước công chúng.

“Giá cả thực phẩm đã tăng 50%, có loại tăng 100%. Mọi người đều rất tức giận về những gì bà Kamala Harris và ông Joe Biden đã làm với nền kinh tế. Lạm phát tăng chóng mặt và nó đang ăn mòn sức sống của người lao động Mỹ,” ông Trump nói trong cuộc đối thoại. “Chính quyền Biden đã lãng phí hàng nghìn tỷ USD dưới danh nghĩa chống dịch Covid-19, và đó là nguyên nhân dẫn tới lạm phát”.

Cựu tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Phó Tổng thống Kamala Harris – đối thủ sắp tới của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng là một chính trị gia “tiền hậu bất nhất”. Ông nhận định bà Harris có thể hứa hẹn làm kinh tế Mỹ tốt lên, song sẽ tiếp tục đưa ra “những chính sách hủy hoại nó” sau khi đắc cử tổng thống.

Đứng trước những thách thức của tình hình an ninh thế giới, ông Trump nhấn mạnh nước Mỹ thời điểm hiện tại cần những lãnh đạo cứng rắn. Cựu tổng thống Mỹ cũng đề cập đến việc cần thiết để xây dựng lại “Giấc mơ Mỹ”, nhằm khích lệ các doanh nghiệp trở lại và đặt nhà máy tại Mỹ.

Tiếng nói chung giữa hai “ông lớn”

Tỷ phú Elon Musk, người đã công khai ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đầu năm nay, cũng bày tỏ sự đồng tình với với một số đề xuất chính sách của ông Trump xuyên suốt cuộc đối thoại.

Tỷ phú Elon Musk (phải) công khai ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đầu năm nay. Ảnh:  Bloomberg
Tỷ phú Elon Musk (phải) công khai ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đầu năm nay. Ảnh:  Bloomberg

Về vấn đề năng lượng, hai người đồng ý rằng năng lượng xanh đang bị cực đoan hóa quá mức. Dù giữ quan điểm nhân loại cần hướng tới việc sử dụng các loại năng lượng bền vững, vị tỷ phú 53 vẫn chỉ rõ tầm quan trọng của năng lượng hóa thạch trong việc giúp thế giới vận hành. Ông cũng cho rằng không nên chỉ trích năng lượng hạt nhân, vì nếu xét theo những thông số, nó an toàn và sạch hơn những nguồn năng lượng khác.

Cả hai cũng có chung quan điểm về việc giải quyết vấn đề nhập cư và siết chặt quyển soát dòng người vượt biên ở phía Nam nước Mỹ. Song khác với đề xuất về một cuộc trục xuất ồ ạt của ông Trump, ông Musk cho rằng vẫn có những thành phần nhập cư tốt, nhưng cần phải có quy trình kiểm tra chặt chẽ để ngăn chặn những phần tử nguy hiểm thâm nhập vào bên trong nước Mỹ.

Ngoài ra, ông Trump và tỷ phú Musk đồng ý việc đẩy nhanh quá trình kiểm định thuốc để người dân Mỹ có thể tiếp cận các loại dược phẩm mới, đặc biệt là những loại đã vượt qua được những bài kiểm tra gắt gao của EU. Ông chủ mạng xã hội X còn đề xuất việc thành lập một ủy ban chính phủ để nghiên cứu nợ quốc gia và đảm bảo tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả.

X vẫn có bất cập

Cuộc đối thoại giữa cựu tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk dự kiến ​​bắt đầu lúc 8 giờ tối 12/8 (giờ địa phương), song bị hoãn tới 40 phút bởi vấn đề bị cho là “cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDosS) quy mô lớn” vào nền tảng này.

Trước đó, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis từng gặp sự cố tương tự trên X. Buổi phỏng vấn năm ngoái giữa tỷ phú Musk và Thống đốc DeSantis – người từng có ý định tranh cử tổng thống năm nay, bị trì hoãn sau loạt sự cố mà ông Musk mô tả khiến các máy chủ của Twitter “như đang tan chảy”.

Theo người viết tiểu sử cho tỷ phú Musk, những vấn đề trên là kết quả của nhiều tháng bất ổn bên trong hệ thống của X, sau khi tỷ phú này cho người nhà tháo dỡ một trong những trung tâm dữ liệu của công ty. Điều này có thể khiến các chính trị gia khác do dự hơn trong việc thực hiện các cuộc đối thoại trên X trong tương lai.