Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm sáng thu ngân sách

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Dù năm tài chính 2022 chưa kết thúc nhưng kết quả thu ngân sách của cả nước và Hà Nội đã về đích sớm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.691.800 tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán.

Như vậy, cao hơn 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP).

 Tại Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hơn 332.000 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021.

Đáng mừng là công tác thu ngân sách tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững khi tỷ trọng các khoản thu từ thuế, phí có xu hướng tăng mạnh và tỷ trọng thu từ tài nguyên - đất đai tiếp tục giảm. Theo đó, có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt, 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực DN Nhà nước đạt 115,7%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108,1%; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%. Riêng Hà Nội, tính đến ngày 17/11, số thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện 128.282 tỷ đồng - bằng 47,9% tổng thu, tăng 0,8% so cùng kỳ.

Kết quả này có được nhờ kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát trong giới hạn cho phép, kinh tế tăng trưởng cao. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế, kéo dài thời gian nộp thuế đã giúp DN có thêm nguồn tiền để đầu tư vào sản xuất. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế dự kiến khoảng 233.500 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều hành, Bộ làm tốt công tác quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản. Đồng thời quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Cùng với đó, thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho DN và người dân; tính đến ngày 15/12/2022 với tổng số tiền khoảng 193.400 tỷ đồng (gia hạn khoảng 105.900 tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 87.500 tỷ đồng).

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2023, Bộ Tài chính và các địa phương sẽ tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Một trong những ưu tiên là giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bộ và các cơ quan liên quan cũng chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là giải pháp tích cực để tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững. Ngoài ra, công tác quản lý, điều hành ngân sách chủ động, tích cực và giữ vững cân đối ngân sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngân sách cũng góp phần tích cực tăng thu bền vững.