Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp FDI: Ưu đãi nhiều, hiệu quả thấp

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, tình trạng chuyển giá, trốn thuế vẫn đang là một vấn đề nhức nhối.

Đáng nói, dù báo lỗ nhưng nhiều DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam (FDI) vẫn không ngừng mở rộng quy mô qua các năm. Thống kê của Bộ Tài chính, năm 2021 có tới 55% số DN FDI báo lỗ, tăng 11% so với năm 2020. Còn nếu tính số DN lỗ lũy kế hơn 16.200 DN, chiếm 62% tổng số DN FDI, tăng 8% so với năm trước. Có hơn 4.400 DN lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020.

Trong những năm trở lại đây, tình trạng báo lỗ, hoặc báo lãi thấp của khối DN FDI diễn ra thường xuyên. Năm 2020, cũng có khoảng 56% tổng số DN FDI báo lỗ. Đáng lưu ý, có những DN FDI được cho là kinh doanh thuận lợi vẫn báo lỗ. Điển hình như Công ty TNHH Shopee, doanh thu hàng năm tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn và có sự mở rộng về quy mô (Công ty Airpay) nhưng vẫn báo lỗ.

Năm 2021, nhiều DN tên tuổi lớn, đại diện cho nhóm ngành như Công ty TNHH Longwell (công nghiệp chế biến chế tạo) liên tiếp lỗ trong 2 năm gần đây. Năm 2021, Longwell tăng 1.072 tỷ đồng vốn điều lệ (tương đương tăng 32,9%) so với năm 2020.

Và mặc dù doanh thu năm 2021 tăng tới 8 lần so với 2020, nhưng lỗ sau thuế tới 240 tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách Nhà nước của công ty này chỉ vỏn vẹn… 2 tỷ đồng. Góp mặt trong danh sách DN FDI liên tiếp thua lỗ còn có Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam. DN này lỗ do tập trung đầu tư vào hệ thống cửa hàng bán lẻ với quy mô lớn…

Những DN trên đều thuộc 5 lĩnh vực đầu tư của DN FDI có quy mô tăng trưởng lớn nhất trong năm 2021 gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; bán buôn và bán lẻ và vận tải kho bãi.

Bộ Tài chính nhận xét, tỷ trọng DN lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn DN báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các DN FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực của mình.

Câu chuyện lãi – lỗ của DN FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam dường như đã trở thành điệp khúc thu hút sự chú ý của dư luận. Việt Nam thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi nhằm mục đích cùng chia sẻ lợi nhuận khi DN này hoạt động ở Việt Nam. Khi DN vào Việt Nam kinh doanh không có lợi nhuận, cần xem lại chính sách thu hút đầu tư và giải quyết gốc rễ vấn đề từ khâu thu hút ban đầu.

Trên thực tế, cơ quan Thanh tra thuế đã chứng minh hành vi chuyển giá của một số DN FDI với số tiền truy thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn như đã truy thu Metro Việt Nam 507 tỷ đồng, Hualon Corporation Việt Nam 78,1 tỷ đồng, Coca Cola Việt Nam cùng từng bị phạt hành chính về thuế lên đến hơn 821 tỷ đồng…

Hiện hệ thống chính sách, quy định về ưu đãi thuế và trợ cấp xây dựng riêng cho các ngành, lĩnh vực FDI được ưu tiên, chọn lọc chưa hiệu quả. Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải. Việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý.

Cần hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan đến FDI hướng tới thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài, các dự án FDI chất lượng, các dự án kinh doanh có trách nhiệm. Đồng thời sớm nghiên cứu sửa đổi chính sách để làm sao vừa bảo vệ được lợi ích của mình, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, đảm bảo công bằng giữa các DN.

Hiện nay vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa DN trong và ngoài nước. Trong khi các DN trong nước ngày càng hụt hơi thì các công ty FDI đang nhận được quá nhiều ưu đãi cả về thủ tục lẫn chính sách ưu đãi tài chính. Khu vực trong nước đang đóng góp gần 40% GDP, thu hút đến 85% lực lượng lao động và tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập chiếm tới 34,1%, vì thế họ xứng đáng nhận được những hỗ trợ thực tế hơn, tương xứng hơn.