Doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó vì đợt tái bùng phát Covid-19

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã mở cửa trở lại sau hai tháng phong tỏa vì Covid-19, các nhà máy tại Thượng Hải, bao gồm cả Tesla, đang phải đối mặt với vấn đề quan trọng là làm thế nào để thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng.

Chú thích: Khu vực bị phong toả trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại quận Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Chú thích: Khu vực bị phong toả trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại quận Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Việc phong tỏa thành phố Thượng Hải đến tuần thứ 4 và áp đặt các biện pháp hạn chế ở hàng chục thành phố khác của Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới.

Thị trường xe điện Trung Quốc từng bùng nổ một thời. Tuy nhiên, vấn đề cung và cầu đang là trở ngại lớn từ khi Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trước khi Thượng Hải thực hiện phong tỏa vào đầu tháng 4, doanh số bán hàng của Tesla tại Trung Quốc đã tăng 56% trong quý đầu tiên, trong khi doanh số bán xe điện của đã tăng gấp 5 lần. 

Ngoài ra, đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp từ thương hiệu xa xỉ đến nhà hàng thức ăn nhanh báo cáo doanh thu bị sụt giảm, ngay cả khi Bắc Kinh đã nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm giúp đỡ ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Bà Joey Wat, Giám đốc điều hành Yum China, công ty sở hữu KFC và Taco Bell, cho biết doanh số trong tháng 4 vừa qua đã sụt giảm đáng kể. Để giải quyết khó khăn, công ty đã thay đổi thực đơn và sắp xếp nhân sự hợp lý hơn, đồng thời thúc đẩy các đơn đặt hàng với số lượng lớn tại các khu vực đang bị áp đặt biện pháp hạn chế vì dịch Covid-19.

Câu hỏi cấp bách hiện nay được đặt ra là: Làm thế nào và khi nào người dân Trung Quốc sẽ bắt đầu tiêu dùng trở lại?

Khi các phòng trưng bày, cửa hàng và trung tâm thương mại ở Thượng Hải phải đóng cửa, 25 triệu cư dân ở thành phố này không thể mua sắm trực tuyến những mặt hàng ngoài thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày do quá tải đơn hàng. 

Theo các chuyên gia phân tích của Nomura, ước tính vào giữa tháng 4, đã có tới 45 thành phố ở Trung Quốc - chiếm khoảng 40% GDP của nước này - bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Điều này khiến nền kinh tế Trung Quốc đối mặt nguy cơ suy thoái ngày càng tăng.

Theo ước tính của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, số lượng giao xe du lịch bán lẻ ở Trung Quốc trong 3 tuần đầu của tháng 4 đã giảm hơn 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội cho biết, do ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát Covid-19, số lượng đơn hàng giảm, các thương hiệu ô tô không thể quảng cáo các mẫu xe mới và doanh số bán hàng sụt mạnh tại các thị trường giàu có nhất Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của Reuters, đại diện một đại lý của thương hiệu xe hơi cao cấp tới từ Đức tại tỉnh Giang Tô cho hay doanh số bán hàng tháng 4 của họ đã giảm từ 30 - 50%. Nguyên nhân là do tắc nghẽn đường bộ khiến việc giao hàng trở nên khó khăn.

Trong khi đó, ông Helen de Tissot, giám đốc tài chính của hãng sản xuất rượu mạnh Pernod Ricard ở Pháp nói: “Doanh số của các doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào việc các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ sớm hay muộn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong những tuần tới”.

Kering, công ty sở hữu các thương hiệu cao cấp bao gồm Gucci và Saint Laurent, cho biết họ đã phải đóng cửa rất nhiều cửa hàng trong tháng 4 vừa qua.

Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh,  chính quyền các thành phố từ Bắc Kinh đến Thâm Quyến đang nỗ lực kích cầu bằng cách phát phiếu mua sắm với tổng trị giá hàng triệu USD để khuyến khích người dân chi tiêu.

Hôm 29/4, Quảng Đông đã đưa ra các biện pháp kích cầu riêng để thúc đẩy doanh số bán xe điện và xe hybrid, bao gồm các khoản trợ cấp lên tới 8.000 nhân dân tệ (khoảng 1.200 USD) cho các dòng xe thuộc loại “phương tiện năng lượng mới”, bao gồm cả từ Volkswagen và BYD. Tuy nhiên, Tesla không có mặt trong danh sách được hỗ trợ này.

Trước đó, vào tháng 3, Trùng Khánh cho biết thành phố sẽ hỗ trợ khoản tiền mặt lên tới 2.000 nhân dân tệ (300 USD) cho những người tiêu dùng đổi xe cũ lấy xe mới. Đồng thời, Trùng Khánh dành thêm 3 triệu USD cho các biện pháp khác để thúc đẩy doanh số bán hàng.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần