Đòn bẩy phát triển du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” không chỉ tôn vinh và kết nối các di sản, mà còn tạo cơ hội cho DN phát triển các sản phẩm du lịch, qua đó thu hút du khách trong nước, quốc tế.

Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, động lực thu hút ngày càng nhiều khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam. Hiện nay, ngành du lịch xem đây là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Không chỉ có vậy di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.

Đặc biệt, di sản văn hóa còn là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam, kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn với 5.922 di tích được kiểm kê. Trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp TP. Nhằm khai thác di sản văn hóa thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung Hà Nội nói riêng, Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 đã khuyến khích DN lữ hành Hà Nội xây dựng tour kết nối di sản văn hóa Hà Nội.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, rất nhiều tour kết nối đã được DN du lịch, lữ hành giới thiệu, thông qua đó giới thiệu tới du khách nét đẹp cổ kính của di tích thành Cổ Loa (Đông Anh), Hoàng thành Thăng Long, những công trình, hiện vật có giá trị từ thời Lý, Trần, Lê… Qua đó du khách có thể cảm nhận rõ nét hơn những giá trị văn hóa của người Việt qua hàng nghìn năm lịch sử.

Năm 2023 ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đón và phục vụ trên 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022. Để đạt được những mục tiêu này, thông qua Lễ hội Du lịch năm 2023 cho thấy, mặc dù có nhiều tiềm năng song chính quyền, DN và cộng đồng làm du lịch cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm để phục hồi nhanh chóng ngành du lịch sau dịch Covid-19, tạo sự phát triển đột phá.

Trong đó phát triển du lịch gắn với văn hóa, di sản, truyền thống lịch sử dân tộc cần chú trọng hơn ở tính chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải kết hợp chặt chẽ với bản sắc độc đáo, riêng có trong văn hóa, di sản của người Hà Nội.

Thực tế cho thấy để kích cầu, thời gian qua du lịch Hà Nội đã liên tục tổ chức các chương trình lễ hội mang âm hưởng văn hóa như Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Festival áo dài Hà Nội, hình thành các tuyến du lịch tâm linh Chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính, Hồ Gươm -Tràng An - Vịnh Hạ Long…

Tuy nhiên bên cạnh việc xây dựng tour du lịch văn hóa, còn đòi hỏi thời gian tới ngành du lịch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức du lịch như du lịch hội thảo hội nghị, du lịch tâm linh, du lịch nông thôn, du lịch kết hợp các giải thi đấu thể thao… đa dạng hóa các tour du lịch mang tính liên kết Vùng.

Qua đó, du khách không chỉ đến để tìm hiểu, khám phá mà đến để cảm nhận, hòa mình với không gian văn hóa riêng có của Hà Nội, của Việt Nam. Đây mới chính là tạo đòn đẩy tích cực trong việc kết nối, khai thác di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững, hoàn thành những mục tiêu đề ra.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần