Đồn đoán Triều Tiên "ngả" về Nga sau thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2?

Cẩm Anh (Theo Tass/SCMP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Triều Tiên nhìn nhận ra những cơ hội tiềm năng từ Nga là không đáng ngạc nhiên, theo giới phân tích.

Chuyến thăm của giới chức cấp cao

Vladimir Kolokoltsev, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Nga, đã tới Bình Nhưỡng trong bối cảnh suy đoán về hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Nga ngày càng lan rộng.

 Bộ trưởng Nội vụ Nga và Đại sứ Nga tại Triều Tiên. Ảnh: TASS

Một quan chức cấp cao Nga đã tới Triều Tiên, theo  truyền thông nhà nước của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un được đồn đoán là đang chuẩn bị đến thăm Moscow, "trải thảm" cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin.

"Vladimir Kolokoltsev, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Nga cùng phái đoàn đã tới đây vào thứ hai", KCNA cho biết, tuy nhiên không đề cập lý do và thời gian chuyến thăm kéo dài bao lâu.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Kolokoltsev – giới chức chịu trách nhiệm các vấn đề an ninh của Nga tới Bình Nhưỡng trong bối cảnh Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đang chuẩn bị tới Nga và có hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với ông Putin. Sự kiện có thể diễn ra ngay trong tháng 4.

Trước đó, Kim Chang-son, Chánh văn phòng của ông Kim Jong-un, đã đến thăm Moscow và Vladivostok.

Thượng đỉnh Un-Putin?

Theo Ankit Panda, biên tập viên cấp cao của Diplomat, tiến trình ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên bắt đầu trở nên mong manh sau khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Donald Trump và Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2 không ra được tuyên bố chung.

"Một bước đi sai nữa của hai bên có thể khiến mọi quân bài lật ngửa, mang theo giấc mơ liên Triều của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in", ông Ankit Panda nói. 

Điều đáng chú ý kể từ hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội là việc Triều Tiên thường xuyên đề cập các sự kiện và đàm phán công khai với Nga trên truyền thông nhà nước. Dù nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa tuyên bố chính thức về 1 hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin mặc dù các đồn đoán về sự kiện này ngày càng lan rộng.

Ông Kim Jong-un rõ ràng đã nhận thấy sự phân rẽ chính trường giữa Nga và phương Tây là cơ hội cho Bình Nhưỡng, theo biên tập viên của Diplomat. 

"Trong bối cảnh này, và đặc biệt sau hội nghị Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu sự chú ý của Triều Tiên chuyển sang các cơ hội tiềm năng từ Nga. Mối liên kết giữa Triều Tiên với Moscow không cần phải tuyệt đối, nhưng rõ ràng hơn bao giờ hết, ông Kim Jong-un đang nỗ lực để làm sâu sắc đáng kể mối quan hệ Nga-Triều Tiên".