Đón loạt tin tiêu cực, chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số của chứng khoán Mỹ sụt giảm 3 ngày liên tiếp, đợt lao dốc dài nhất trong 1 tháng do kỳ vọng về gói dự luật gói cứu trợ mới ngày càng mờ nhạt.

Thị trường Phố Wall giao dịch ảm đạm trong phiên ngày 15/10 khi số liệu việc làm tại Mỹ kém khả quan và tình hình dịch Covid-19 xấu đi ở châu Âu tác động tiêu cực tới nhà đầu tư.
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày 15/10.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones sụt 19,8 điểm, tương đương 0,07%, xuống còn 28.494,20 điểm. Chỉ số này có thời điểm trong phiên lao dốc hơn 300 điểm. S&P 500 cũng mất 0,2% xuống 3.483,34 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,5% về mức  11.713,87 điểm.
Facebook dẫn đầu đà trượt dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khi sụt 1,9%. Amazon hạ 0,8%, trong khi Alphabet và Microsoft cũng giảm tương ứng 0,5% và 0,4%.
Trong chiều ngược lại, nhóm ngân hàng và năng lượng giao dịch khởi sắc trong phiên giao dịch này, trong đó JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Citigroup đều nhích trên 1%. Exxon Mobil và Chevron tăng lần lượt 0,9% và 0,8%.
Phiên suy yếu ngày thứ Năm là phiên đi xuống thứ 3 liên tiếp của các chỉ số chính trên sàn Phố Wall, ghi nhận dấu chuỗi giảm điểm dài nhất của các chỉ số trong một tháng trở lại đây.
Ông Mark Haefele - giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS nhận xét: "Thị trường cổ phiếu sẽ còn biến động mạnh trong những tuần tới khi giới đầu tư có thể đối mặt những bất ổn, như khi nào có được vaccine ngừa Covid-19 (sau khi hãng Johnson & Johnson phải tạm dừng thử nghiệm), liệu gói kích thích tài khóa bổ sung có được Quốc hội thông qua và quy mô như thế nào, cũng như cuộc bầu cử có kết quả ra sao".
Theo chuyên gia Haefele, quá trình hồi phục kinh tế không đồng đều ở Mỹ cũng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại trong mùa công bố kết quả kinh doanh.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC hôm 15/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng ông và Tổng thống Donald Trump rất muốn đạt được một thỏa thuận về gói kích thích tài khóa bổ sung và sẽ nỗ lực dù khả năng dự luật được thông qua trước cuộc bầu cử ngày 3/11 tới là không cao.
Bộ trưởng Mnuchin cho biết các cuộc thảo luận với đảng Dân chủ đã đạt được một số tiến triển. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng "yếu tố chính trị" có thể cản trở quá trình thương lượng và rằng Đảng Dân chủ vẫn muốn một thỏa thuận về gói cứu trợ toàn diện hoặc không đạt được thỏa thuận nào.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng phát tại châu Âu. Pháp đã phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn quốc, Anh đang xem xét áp lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 2, trong khi Đức đã đưa ra những qui định hạn chế mới để ngăn chặn dịch Covid-19.
“Chỉ còn 2 tuần rưỡi nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục biến động liên tục” - James Ragan - giám đốc nghiên cứu tài sản tại D.A. Davidson cho hay. 
Trong khi đó tại Mỹ, Bộ Lao động ngày 15/10 cho biết nước này ghi nhận có 898.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước, cao hơn so với ước tính 830.000 của Dow Jones.
Về phía kết quả kinh doanh, ngân hàng Morgan Stanely cho biết lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu quý III đạt 1,66 USD, vượt qua mức ước tính 1,28 USD của giới phân tích. Doanh thu ghi nhận 11,7 tỷ USD, cao hơn 1 tỷ USD so với dự báo. Giá cổ phiếu Morgan Stanley tăng 1,3% kết phiên 15/10.
"Đây là mùa báo cáo thu nhập thứ hai của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 và sẽ là một trong những mùa thu nhập quan trọng nhất từ ​​trước đến nay. Chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III sẽ không tệ như trong quý II” - Jeff Kilburg - giám đốc điều hành của KKM Financial nhận xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần