Khu vực Đông Nam Á đang sở hữu một số lợi thế nổi bật so với châu Âu và Mỹ như: dân số trẻ và am hiểu công nghệ. Với hơn 200 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 34, khu vực này có khả năng thích ứng nhanh với những tiến bộ công nghệ trong khu vực. Bên cạnh đó, việc tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh từ 65% đến 90% cũng như tốc độ truy cập internet nhanh chóng đang góp phần giúp việc sử dụng AI trở nên dễ dàng hơn.
Jun Le Koay, chuyên gia của Access Partnership, nhấn mạnh AI không chỉ giúp tăng hiệu quả công việc mà còn mở ra cơ hội thăng tiến việc làm.
“Khi AI ngày càng phổ biến trong các ngành công nghiệp, việc học hỏi các kỹ năng AI sẽ giúp người lao động nâng cao năng suất cũng như cải thiện thu nhập” - ông nhận định.
Singapore xứng danh người tiên phong AI trong khu vực
Singapore hiện đang là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua AI tại Đông Nam Á, với tầm nhìn chiến lược bao quát và các khoản đầu tư mạnh mẽ. Chính phủ nước này đã công bố chiến lược quốc gia về AI ngay từ năm 2019 và tiếp tục mở rộng vào cuối năm 2023. Singapore hướng đến việc gia tăng số lượng lao động biết sử dụng AI lên đến 15.000 người trong tương lai, gấp ba lần mức hiện tại cũng như xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ này.
Vào tháng 9, quốc gia này đã mở cửa Trung tâm AI cao cấp phục vụ ngành sản xuất với mục tiêu tích hợp AI trên toàn bộ chuỗi ứng dụng. Chính phủ Singapore cũng cam kết sẽ đầu tư 741 triệu USD trong 5 năm tới cho ngành AI.
Grace Yuehan Wang, Tổng giám đốc điều hành của Network Media Consulting, cho biết: “Singapore được đánh giá cao về hệ thống giáo dục, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên và môi trường kinh doanh thân thiện”. Những yếu tố trên đã giúp quốc đảo này đứng đầu Chỉ số sẵn sàng ứng dụng AI châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của Salesforce, vượt xa các quốc gia ASEAN khác.
Indonesia dần khẳng định vị thế trung tâm hàng đầu
Indonesia, với dân số lớn nhất Đông Nam Á, đang nổi lên như một ứng cử viên mạnh mẽ trong cuộc đua AI. Chính phủ nước này đã công bố Chiến lược Quốc gia AI vào năm 2020, tập trung vào năm lĩnh vực chính: y tế, cải cách hành chính, giáo dục, thực phẩm và năng lượng.
Một số lợi thế giúp “xứ sở vạn đảo” đẩy nhanh việc ứng dụng AI là thị trường nội địa với hơn 280 triệu người dùng cũng như tỷ lệ sử dụng internet vào khoảng 77%. Các công ty khởi nghiệp như Gojek và Tokopedia (nay thuộc GoTo Group) đang tích cực ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, từ dịch vụ gọi xe đến thương mại điện tử.
Ngoài ra, Indonesia cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các chương trình giáo dục để đào tạo nhân tài AI. Với những bước tiến trên, quốc gia này đang khẳng định vị thế là trung tâm AI đầy tiềm năng trong khu vực.
Malaysia thúc đẩy hợp tác với các công ty nước ngoài
Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong về xây dựng chiến lược AI tại Đông Nam Á. Kế hoạch Quốc gia về AI của nước này thúc đẩy vai trò của trí tuệ nhân tạo trong phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Malaysia đã thiết lập một nền tảng hợp tác công-tư mạnh mẽ, thu hút các tài khoản đầu tư lớn từ các công ty quốc tế hàng đầu như Microsoft và Google. TP Cyberjaya, được xem là trung tâm công nghệ của đất nước, đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các dự án nghiên cứu và phát triển AI.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên chính sách giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) giúp đảm bảo lực lượng lao động tương lai có đầy đủ kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ứng dụng AI.
Vẫn còn nhiều thách thức
Dù các quốc gia khác như Singapore, Indonesia và Malaysia đã đạt được những bước tiến lớn, các thành viên khác của ASEAN lại đang phải đối mặt với vô vàn thách thức. Campuchia, Lào và Myanmar, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hạn chế và nguồn tài chính eo hẹp, hiện đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp với tốc độ phát triển công nghệ của khu vực.
Campuchia hiện đang tập trung ứng dụng AI trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thiếu các khung pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được đảm bảo đang cản trở quá trình phát triển AI của quốc gia này.
Kristina Fong, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Viện ISEAS-Yusof Ishak thuộc ASEAN, cho rằng: “Các quốc gia này cần nền tảng pháp lý và cơ chế giám sát vững chắc nhằm đảm bảo quản lý AI hiệu quả, hướng đến tận dụng tối đa các công nghệ tiên tiến này cũng như giảm thiểu rủi ro có thể xảy đến.”