Những sản phẩm này đang dần được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ sự kết nối sản xuất với hệ thống bán lẻ.
Thực tế cho thấy, mặc dù Hà Nội và các tỉnh, thành có nhiều sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng nhưng một số sản phẩm OCOP chưa có nhiều cơ hội xúc tiến thương mại.
Nguyên nhân là do một số chủ DN, cơ sở sản xuất chưa chú trọng tới mẫu mã, bao bì sản phẩm nên không thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Các DN, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nhỏ và vừa còn thiếu vốn để đầu tư mở rộng, thực hiện quy trình bảo đảm an toàn chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để khắc phục những nhược điểm này, song song việc tập trung chỉ đạo đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, TP Hà Nội đã đặc biệt quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm. Qua đó quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng và du khách khách quốc tế. Bên cạnh đó triển khai xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Thông tin từ Hội đồng OCOP TP Hà Nội, nhằm kịp thời hỗ trợ các chủ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, năm 2022 TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch thông qua việc tham gia chương trình Hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 chủ đề Liên kết cùng phát triển” tại tỉnh Đồng Tháp; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La”…
Không dừng ở đó, từ nay đến cuối năm, TP Hà Nội triển khai tổ chức Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội. Những chương trình được kỳ vọng này là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm đến du khách, người tiêu dùng Thủ đô.
Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm OCOP TP Hà Nội và các tỉnh, thành đến người tiêu dùng. Kết nối giữa các nhà sản xuất của các tỉnh, thành với các kênh phân phối và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hà Nội, từ đó thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, thông qua việc tổ chức các Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, TP Hà Nội đã hỗ trợ các DN, hợp tác xã có thêm nhiều khách hàng, đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội, góp phần cân đối cung - cầu hàng hóa, kích cầu người tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế của TP Hà Nội.
Theo đó, người tiêu dùng Thủ đô đã lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản nội địa có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt.
Có thể thấy, việc TP Hà Nội liên tục tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các DN, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, TP quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, phát huy tinh thần tự lực, tự cường.