Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức tự tin có thể “cai nghiện” dầu mỏ của Nga trong năm nay

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/4, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức có thể dừng nhập khẩu dầu từ Nga ngay năm nay trong bối cảnh Berlin đang nỗ lực để thoát phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga.

Thủ tướng Olaf Scholz. Ảnh: AP
Thủ tướng Olaf Scholz. Ảnh: AP

“Chúng tôi đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm chấm dứt việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Chúng tôi tin rằng có khả năng đạt được điều đó trong năm nay” - Thủ tướng Olaf Scholz nói trong cuộc họp báo ở London cùng người đồng cấp Anh Boris Johnson, theo Reuters.

Trước đó, hôm 7/4, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than bắt đầu từ tháng 8 tới. Đây là vòng trừng phạt thứ 5 của EU, nhưng là lần đầu tiên đánh vào lĩnh vực năng lượng mà họ hiện phụ thuộc vào Nga.

Chính phủ Đức đã tăng cường nỗ lực để giảm giao thương nhập khẩu năng lượng từ Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2 vừa qua.

Hiện dầu mỏ của Nga hiện chiếm 25% số lượng Đức nhập khẩu, giảm từ 35% vào thời điểm chưa xảy ra xung đột quân sự tại Ukraine. Trong khi đó, nhập khẩu khí đốt giảm từ 55% xuống 40%, còn mức giảm của nhập khẩu than từ Nga từ 50% xuống 25%.

Tuy nhiên, việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga là điều không dễ dàng với Đức. Đức lên kế hoạch cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga xuống còn 24% vào mùa hè này, sau khi ghi nhận tới 40% trong quý I/2021. Theo dự tính, phải đến mùa hè năm 2024, nền kinh tế lớn nhất châu Âu mới có thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.

Thủ tướng Scholz lưu ý thêm: “Chúng tôi đang đẩy mạnh quá trình nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng khi chúng tôi chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí thiên nhiên hóa  lỏng (LNG)”.

Báo cáo được Viện Kinh tế DIW công bố ngày 8/4 cho biết, Đức có thể đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt cho mùa đông tới mà không cần nhập khẩu từ Nga, nhờ các nhà cung cấp thay thế và biện pháp tiết kiệm năng lượng quyết liệt.

Theo báo cáo này, Na Uy và Hà Lan có thể bù đắp nguồn cung khí đốt của Nga tại thị trường Đức. Các nguồn khác có thể được đảm bảo thông qua việc vận chuyển khí LNG tới các bến cảng ở Bỉ, Hà Lan và Pháp.