Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để “lợi bất cập hại”

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một sáng kiến góp phần minh bạch thị trường bất động sản (BĐS) của Bộ Công an đó là việc định danh số nhà, số căn hộ, được đánh giá là ý tưởng hay.

Tuy nhiên, sáng kiến đang vấp phải nhiều ý kiến cho rằng quá trình triển khai cần hết sức chặt chẽ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “lợi bất cập hại”.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), đơn vị này đã tham mưu với Bộ Công an giải pháp minh bạch thị trường BĐS thông qua kế hoạch định danh số nhà, số căn hộ. Việc định danh số nhà nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 13/CT-TTg về lập lại trật tự, khắc phục những bất cập với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.

Trên cơ sở biên bản thỏa thuận hợp tác giữa C06 và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06, phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu, Bộ Công an có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất; C06 sẽ phối hợp Bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà. Kế hoạch này còn giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho Nhà nước thông qua việc tận dụng những dữ liệu để liên thông, không phải chờ làm sạch dữ liệu về BĐS.

Đại diện C06 lý giải rằng, mỗi dự án chung cư có hàng nghìn căn hộ và các hộ gia đình sống hoàn toàn độc lập trong mỗi căn hộ của dự án, nếu chỉ ghi địa chỉ nhà chung cư thì mới chỉ có dữ liệu chung, chưa có thông tin cụ thể đối với từng hộ gia đình sống ở trong đó. Đặc biệt, nếu định danh số nhà, số căn hộ gắn với chủ sở hữu thì qua hệ thống quản lý phần mềm sẽ nắm bắt được chủ sở hữu đó đang có bao nhiêu BĐS. Ngoài ra sẽ còn giúp cho những đơn vị trung gian như Bưu điện giao nhận hàng hóa một cách chính xác nhất.

Các chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định chi tiết hơn và nhà ở có sẵn được đưa vào kinh doanh BĐS. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu dự án Luật Thuế BĐS, trong đó có nghiên cứu về thuế đối với nhà ở thứ hai, thuế đối với nhà, đất bỏ trống, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế... Vì vậy, sáng kiến định danh số nhà, số căn hộ sẽ góp phần quan trọng để các dự án luật thi hành trong thực tế; đồng thời đây cũng là một hình thức để giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn còn không ít ý kiến lo ngại về việc thông tin cá nhân không bảo đảm điều kiện bảo mật sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân. Ngoài ra nếu không quản lý chặt chẽ tình trạng đứng tên hộ thì việc định danh số nhà, số căn hộ cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối.

Ứng dụng công nghệ trong kết nối dữ liệu dân cư và thông tin cá nhân được xem là xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số theo thông lệ quốc tế và chủ trương Chính phủ điện tử của Nhà nước. Nhưng đây là việc làm nhạy cảm và chi phí lớn, nếu không có lộ trình thực hiện phù hợp và quá trình thực thi thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong vấn đề bảo mật thông tin có thể sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy đáng tiếc.