Cùng với những nỗi tiếc thương những câu hỏi về công tác cứu hộ cũng như sự an toàn của công trình, mặc dù báo Kinh tế & Đô thị đề cập, nhưng vẫn rất cần tiếp tục được đặt ra. Nó không phải gợi lại vụ việc đau lòng mà là để chúng ta có những hành động tốt hơn cho những trường hợp tương tự.
Mấy ngày nay, việc bé trai 10 tuổi không may rơi vào trụ bê tông khi đi nhặt phế liệu ở công trường xây dựng công trình cầu Rọc Sen (Đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) được người dân cả nước quan tâm.
Cùng với sự hồi hộp, lo lắng dõi theo tiến trình cứu hộ, mọi người không khỏi xót xa khi đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thông tin, do bé bị kẹt trong thời gian dài, bị thiếu khí, chấn thương nên không qua khỏi. Hiện các lực lượng chức năng tiếp tục nỗ lực đưa cọc bê tông lên mặt đất trong thời gian sớm nhất, để bàn giao thi thể bé cho gia đình lo hậu sự.
Thông tin thật đau lòng. Đây một lần nữa là lời nhắc nhở day dứt không chỉ về công tác đảm bảo an toàn ở các công trường xây dựng, mà trước hết là lời nhắc nhở chúng ta về sự quan tâm hơn nữa đến các em nhỏ để phòng tránh những rủi ro không đáng có.
Quan sát clip của công trường thì nhận thấy công tác đảm bảo an toàn cho công trình khi đang thi công chưa được triển khai đúng mức. Đó cũng là thực trạng về công tác an toàn tại nhiều công trình xây dựng hiện nay. Câu “Safety first - An toàn là trên hết” nhiều nơi, nhiều lúc chỉ là câu khẩu hiện để che đậy sự cẩu thả.
Những vụ tai nạn như sập dàn giáo, sập mái khi đổ bê tông, hay các vụ tai nạn lao động khác diễn ra thường ngày. Phần do ý thức của người lao động chưa cao, nhưng cũng có phần từ việc quản lý, công tác bảo đảm an toàn không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Thi công làm ẩu, qua loa, giám sát không thực hiện hết chức năng nhiệm vụ, chủ đầu tư phó mặc cho nhà thầu, hậu quả đau lòng sẽ khó tránh khỏi, nó chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Ngay cả hiện nay khi những hình ảnh của các nhân viên tổ chức cứu hộ nhiều người cũng có thể thấy việc trang phục thiết bị an toàn khi cứu hộ cũng không được thực hiện đầy đủ, có nhiều người gián tiếp ở quanh khu vực lẽ ra chỉ dành riêng cho cứu hộ.
Cùng với vấn đề liên quan đến công tác an toàn, công tác cứu hộ cũng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Công tác cứu hộ đã kịp thời chưa khi mà thời gian quý báu cứ trôi đi. Sau đó phải có công điện của Thủ tướng thì đông đảo nhân lực cứu hộ mới vào cuộc triển khai. Trong khi công tác này cần tính chủ động, với những giải pháp tích cực thay vì thụ động chờ chỉ đạo…
Đây là bài học đắt giá dành cho việc bảo vệ an toàn của các công trình xây dựng. Sau vụ bé Hạo Nam, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm và rút ra những bài học. Điều mong mỏi lớn nhất là chúng ta sẽ không bao giờ phải đau lòng vì một sự việc như vậy nữa.