Tờ Oilprice đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước đã cho phép Đức cấp 3,2 tỷ USD viện trợ nhà nước để hỗ trợ xây dựng hệ thống đường ống vận chuyển khí hydro theo các quy định viện trợ nhà nước của Liên minh châu Âu (EU).
Gói viện trợ khổng lồ của Chính phủ Đức được thiết lập nhằm góp phần đạt được các mục tiêu trong Chiến lược Hydro EU và gói "Fit for 55" thông qua việc cấp phép cho cơ sở hạ tầng truyền tải hydro cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng hydro tái tạo trong công nghiệp và giao thông vận tải vào năm 2030, theo thông báo của EC.
Khoản đầu tư này bao gồm tái sử dụng các đường ống dẫn khí hiện có để vận chuyển hydro cũng như xây dựng các đường ống và trạm nén hydro mới.
Việc xây dựng và vận hành Mạng lưới lõi hydro của Đức sẽ do các nhà vận hành hệ thống truyền tải hydro (TSO) tài trợ và do Cơ quan mạng lưới liên bang Đức Bundesnetzagentur lựa chọn.
Gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện theo hình thức bảo lãnh của nhà nước, cho phép các TSO có được các khoản vay ưu đãi hơn để bù đắp những tổn thất ban đầu trong giai đoạn phát triển Mạng lưới lõi hydro.
Đường ống dẫn khí chính đầu tiên của Mạng lưới lõi hydro dự kiến đi vào hoạt động năm 2025, dự kiến toàn bộ mạnh lưới này sẽ hoàn tất vào năm 2032.
Chính phủ Đức đặt cược vào hydro để phi carbon hóa nền kinh tế. Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Securing Energy for Europe (Sefe) do nhà nước Đức kiểm soát cho biết có kế hoạch đầu tư khoảng 534 triệu USD để tái sử dụng một số địa điểm lưu trữ khí đốt dưới lòng đất và đường ống dẫn khí đốt vào cơ sở hạ tầng phù hợp nhằm lưu trữ, vận chuyển hydro xanh.
Trước đó, vào tháng 12/2023, Sefe và Tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy đã ký hợp đồng năng lượng lớn nhất từ trước đến nay với tổng giá trị lên tới 54 tỷ USD (50 tỷ euro). Thỏa thuận cũng bao gồm một điều khoản không ràng buộc cho phép Sefe có khả năng nhận được nguồn hydro carbon thấp, quy mô lớn từ Equinor bắt đầu từ năm 2029 và kéo dài đến năm 2060.
Theo hãng tin Reuters, liên minh cầm quyền của Đức hồi đầu tháng 4 vừa qua đã nhất trí về cơ chế tài chính và gia hạn thời hạn xây dựng hệ thống đường ống Mạng lưới lõi hydro thêm 5 năm, đến năm 2037.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực chuyển hướng sang sử dụng hydro - loại năng lượng xanh có thể được tạo ra từ gió và mặt trời, nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0.
Hydro được đánh giá là nguồn năng lượng không carbon khả thi duy nhất đối với lĩnh vực công nghiệp nặng, bao gồm ngành thép, hóa chất, lọc dầu, thủy tinh và gốm sứ.
Đức đang nhắm mục tiêu xây dựng Mạng lưới lõi hydro có chiều dài hơn 9.700 km, tổng vốn đầu tư 21,6 tỷ USD (khoảng 20 tỷ euro), với hệ thống truyền tải khí đốt hiện có chiếm tới 60% mạng lưới.
Hydro xanh được sản xuất bằng cách tách các phân tử nước thông qua quá trình điện phân sử dụng năng lượng tái tạo và mạng lưới đường ống dẫn khí mới của Đức cần kết nối các khu năng lượng gió ở phía Bắc với các trung tâm công nghiệp ở phía Nam.