Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch chặn Nga tái khởi động các đường ống khí đốt sang châu Âu mà nước này đã tạm dừng hoạt động từ năm ngoái, theo các quan chức tham gia cuộc đàm phán về lệnh cấm này.
Đây sẽ là lần đầu tiên thương mại khí đốt qua đường ống của Moscow bị phương Tây áp lệnh cấm vận kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tờ Financial Times hôm 14/5 đưa tin quyết định trên sẽ được chốt tại hội nghị thượng đỉnh khối G7 gồm các nước Mỹ, Anh, Đức, Italia, Pháp, Canada và Nhật Bản tại Hiroshima từ ngày 19-21/5. Theo đề xuất trên, G7 và EU sẽ cấm Nga tái khởi động các đường ống dẫn khí đốt sang Ba Lan và Đức.
Lệnh cấm này đang được các nhà ngoại giao châu Âu thảo luận như là một phần của gói trừng phạt thứ 11 của EU nhằm vào Moscow.
Dù không có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ dòng khí đốt xuất khẩu của Nga ngay lập tức, nhưng động thái này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của EU nhằm chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vốn kéo dài hàng thập kỷ vào nguồn cung năng lượng Nga.
Hồi tháng 5 năm ngoái, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo dừng chuyển khí đốt qua đoạn đường ống Yamal nằm trên lãnh thổ Ba Lan. Đến tháng 9/2022, Nga tiếp tục dừng hoạt động đường ống khí đốt Nord Stream 1 sau vụ phá hoại tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2.
Năm ngoái, việc Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 kết nối với Đức đã châm ngòi cuộc khủng hoảng năng lượng khắp châu Âu. Giá TTF (là giá tiêu chuẩn cho tất cả khí đốt được giao dịch trong khối) vọt lên mức hơn 340 euro/MWh giờ vào mùa Hè năm ngoái.
Tuy nhiên, giá TTF trong những ngày gần đây đã giảm mạnh còn 35,2 euro/MWh, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Việc giảm giá trên đã củng cố quan điểm rằng giá năng lượng đang trở lại bình thường sau khi châu Âu khai thác thành công các nguồn khí đốt thay thế, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và tăng tốc dự trữ khí đốt.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Bloomberg hôm 12/5 cho biết EU đã đề xuất chính thức ngừng cung cấp dầu mỏ Nga thông qua đường ống Druzhba tới Đức và Ba Lan.
"Hai quốc gia này vốn đã được phép - trái với các lệnh trừng phạt của EU - tiếp tục nhận dầu qua đường ống Druzhba ở phía Bắc. Mặc dù vậy, họ đã ngừng nhận dầu thô qua tuyến đường này" – tờ Bloomberg viết.
Đề xuất chính thức dừng cung cấp dầu qua đường ống Druzhba là một phần trong gói trừng phạt thứ 11 của EU sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại nước láng giềng. Gói trừng phạt mới sẽ cần sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên và có thể được điều chỉnh trong cuộc đàm phán săp tới.
Theo Bloomberg, các trường hợp ngoại lệ sẽ vẫn được thực hiện đối với Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech, ba nước đang được nhập dầu của Nga qua nhánh phía Nam của đường ống Druzhba.
Đề xuất phần lớn chỉ mang tính biểu tượng do Đức và Ba Lan đã ngừng nhập dầu thô qua đường ống Druzhba, tuy nhiên việc này đã buộc một số nhà máy lọc dầu phải tham gia vào công việc hậu cần đầy thách thức để tiếp cận các loại dầu thô thay thế.
Trọng tâm chính gói trừng phạt thứ 11 của EU là trấn áp việc “né” lệnh cấm vận Nga. Các biện pháp được đề xuất cũng bao gồm cấm các tàu vi phạm lệnh cấm vào các cảng của EU, nhắm mục tiêu vào các tàu tắt hệ thống định vị...
Cho đến nay, EU đã áp đặt 10 gói trừng phạt kinh tế đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tháng trước thừa nhận rằng khối này gần như đã cạn kiệt các lựa chọn về các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.