Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Fed lại tăng lãi suất, để ngỏ khả năng chấm dứt chính sách thắt chặt

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cuộc họp chính sách hôm 3/5 của Fed, lãi suất cơ bản được nâng lên cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Ngày 3/5, Fed đã quyết định thực hiện đợt nâng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3/2022. Ảnh: AP
Ngày 3/5, Fed đã quyết định thực hiện đợt nâng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3/2022. Ảnh: AP

Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 3/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định thực hiện đợt nâng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3/2022. Ngoài ra, Fed cũng phát tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt này sắp kết thúc.

Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Đây cũng là con số được thị trường dự đoán trong thời gian gần đây. Theo đó, lãi suất liên bang đang ở mức 5-5,25%, cao nhất kể từ tháng 8/2007.

Tuy nhiên, điều thị trường quan tâm nhất là lộ trình tiếp theo của Fed sẽ như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế và bất ổn ngành ngân hàng đang bao trùm toàn bộ Phố Wall.

Trong cuộc họp báo hôm 3/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cân nhắc điều chỉnh chính sách trong thời gian tới nếu điều kiện kinh tế cho phép. Tuy nhiên, lạm phát vẫn là mối quan tâm chính do đó còn quá sớm để nói rằng chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc.

Thông báo sau cuộc họp cũng thể hiện quan điểm “bồ câu” hơn của Fed đối với chính sách tiền tệ, nhấn mạnh rằng Fed sẽ "xét đến tác động của thắt chặt chính sách tiền tệ, độ trễ chính sách ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như sự phát triển về kinh tế". 

Theo CNBC, những động thái này thể hiện sự "thừa nhận" phần nào rằng dù chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn được duy trì, nhưng lộ trình tăng lãi suất chưa rõ ràng, khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá dữ liệu kinh tế và điều kiện tài chính. 

Fed đã đẩy lãi suất chính sách lên đủ 5% trong 10 cuộc họp kể từ tháng 3/2022, một tốc độ chóng mặt đối với ngân hàng trung ương.

Quyết định tăng lãi suất được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiềm ẩn đầy rủi ro và đối diện với sự phản đối của các nhà lập pháp đảng Dân chủ. Tuần này, họ đã thúc giục Fed ngừng tăng lãi suất vì cho rằng động thái này có thể gây suy thoái kinh tế và khiến nhiều việc làm bị mất. 

Ưu tiên kiểm soát lạm phát

Trong khi lãi suất tăng cao gây nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng, thì giới chức Fed khẳng định Ngân hàng Trung ương Mỹ đang tập trung vào lạm phát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo hôm 3/5. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo hôm 3/5. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Fed nói rằng ngân hàng Trung ương Mỹ đang đối mặt thách thức, đó là liệu có tiếp tục tăng thêm lãi suất hay không khi nền kinh tế vẫn đang đối mặt với lạm phát cao dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Tốc độ tăng lạm phát đã chậm lại kể từ giữa năm ngoái. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao và Fed còn một chặng đường dài để đưa lạm phát quay lại mục tiêu  2%” - ông Powell nói với các phóng viên.

Lãnh đạo Fed cũng dập tắt kỳ vọng của thị trường rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang sẽ giảm lãi suất trong năm nay, cho biết động thái như vậy khó xảy ra.

Lãi suất của Fed hiện gần giống mức trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính 16 năm trước, và đủ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Lạm phát hiện vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu đề ra.

Theo Fed, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn. Ngoài ra, những bất ổn gần đây có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Fed, thị trường lao động hiện vẫn ổn định. Trong tháng 4, khu vực tư nhân đã tuyển dụng thêm 296.000 việc làm, vượt xa dự đoán của các nhà kinh tế.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Powell cho hay chính sách lãi suất của Fed đang đi đúng hướng. Ông cũng lưu ý đến dữ liệu tỷ lệ thất nghiệp thấp trong lịch sử, ủng hộ ý kiến ​​cho rằng, nền kinh tế có thể chậm lại mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.