Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FED tăng lãi suất, gây áp lực lên nền kinh tế Hàn Quốc

Hà Phương (Theo Yonhap)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất sẽ tạo ra áp lực mới trong hoạch định chính sách kinh tế của Hàn Quốc.

Đây là nhận định của một số nhà quan sát về kinh tế. Theo đó, việc FED tăng lãi suất sẽ khiến cho chính phủ Hàn Quốc khó đưa ra các chính sách về giải pháp kích thích nền kinh tế, đồng thời tạo khoảng cách giữa hai quốc.

 Chủ tịch FED Janet Yellen.

Trong cuộc họp báo diễn ra vào cuối giờ chiều 15/3 (giờ địa phương), Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết, Ủy ban Thị trường mở thuộc FED (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 0,75 - 1%/năm. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và lần tăng thứ 2 trong vòng 3 tháng qua.

Theo bà Yellen, lý do tăng lãi suất là vì thị trường việc làm tăng trưởng ổn định và lạm phát cũng đang dần tiến về mức mục tiêu 2% mà cơ quan này đặt ra. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra bất kỳ kế hoạch nào cho thấy sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Mức tăng 25 điểm cơ bản cũng đúng như dự báo trước đó của giới phân tích và theo kế hoạch, FED sẽ có 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất của FED nhiều khả năng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá chung của Hàn Quốc – khi nền kinh tế nước này đang đối mặt với thách thức từ khả năng tiêu thụ chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài. Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc (BoK) nhấn mạnh, họ sẽ duy trì cách tiếp cận một cách thận trọng và sẽ không tùy tiện tăng lãi suất theo FED. “Tỷ lệ tăng của FED chỉ là một chỉ số tham khảo, chúng tôi sẽ xem xét để có chính sách phù hợp với tình trạng trong nước”, Phó Thống đốc Jang Byung-wha của BoK cho biết.

 Trụ sở BoK tại Seoul.

Mặc dù, đại diện BoK đã chính thức lên tiếng chấn an giới đầu tư trong nước trước thông báo của FED, song một số chuyên gia chỉ ra rằng, chắc chắn nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải chịu nhiều áp lực từ việc này. Chuyên gia phân tích Joo Won thuộc Viện Nghiên cứu Hyundai trích dẫn, một con số kỷ lục các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô bán tháo cổ phiếu Hàn Quốc vào năm 1999 và 2005, khi tỷ lệ tiêu chuẩn của nước này thấp hơn so với Mỹ.

Theo số liệu thống kê, vào năm 1999, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán đi khoảng 5,5 nghìn tỷ Won (4,8 tỷ USD) trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Do vậy, rất có khả năng, trong trường hợp FED tăng lãi suất, các nhà hoạch định chính sách của BoK sẽ buộc phải xem xét tới việc tăng lãi suất theo.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, BoK sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra một chính sách đúng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang phải đương đầu với nhiều áp lực. Trong đó, BoK dự đoán mức tăng trưởng trong năm nay là 2,5%, tình trạng nợ hộ gia đình đã vượt qua mức 1.340 nghìn tỷ Won.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước cũng tăng thêm 5% trong tháng 2/2017 – mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 – 29 đã tăng lên 12,3%, chủ yếu do việc cắt giảm lao động trong ngành sản xuất.

Nhiều số liệu cho thấy, người tiêu dùng Hàn Quốc đang rơi vào tình trạng thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu. Bởi, nền kinh tế Hàn Quốc phải đối mặt với khó khăn do tác động từ hành động “trả đũa” của Trung Quốc, vì Seoul – Washington triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD).