Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Fed tiếp tục lập trường diều hâu với lạm phát, chứng khoán Mỹ rơi tự do

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ lao dốc trong ngày 7/10 sau khi báo cáo việc làm tháng 9 cho thấy thị trường việc làm vẫn rất mạnh bất chấp các đợt tăng lãi suất của Fed.

Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 600 điểm trong phiên giao dịch ngày 7/10. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 600 điểm trong phiên giao dịch ngày 7/10. Ảnh: CNBC

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall phủ kín sắc đỏ khi khép phiên ngày thứ Sáu trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì quan điểm diều hâu để kiềm chế lạm phát mà không cần bận tâm tới thị trường việc làm.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 7/10, chỉ số Dow Jones sụt 630,15 điểm, tương đương 2,1%, xuống còn 29.296,79 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 2,8% về mức 3.639,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 3,8% xuống 10.652,41 điểm.

Đà giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu đã xoá bớt mức tăng từ đầu tuần khi chứng khoán có một tuần phục hồi mạnh. Các chỉ số chính vẫn khép lại tuần qua với sắc xanh, tuy nhiên, đã xoá phần lớn mức tăng từ đầu tuần. Tuần qua, Dow Jones vọt 2%, còn S&P 500 tăng 1.5% và Nasdaq Composite tiến 0.7%.

Phiên lao dốc trong ngày 7/10 đã xóa bớt đà tăng mạnh của hai phiên đầu tuần. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cao hơn so với cuối tuần trước nhưng kém xa mức đóng cửa phiên ngày 4/10. Tính chung trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2%, S&P 500 cộng 1,5% và Nasdaq Composite cộng 0,7%.

Cục Thống kê Lao động Mỹ hôm 7/10 cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra 263.000 việc làm trong tháng 9, thấp hơn so với mức 275.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.  Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 3,7% trong tháng trước xuống còn 3,5%, cho thấy bức tranh lao động tiếp tục mạnh mẽ ngay cả khi Fed cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát vốn đang chạm đỉnh 4 thập kỷ.

Các chuyên gia cho rằng Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt tiền tệ trong hai cuộc họp còn lại của năm 2022. 

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial, nhận xét: “Trong khi dữ liệu việc làm gần khớp với dự báo, tỷ lệ thất nghiệp giảm dường như là điều gì đó mà thị trường ám ảnh với việc có ý nghĩa gì đối với Fed. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm và tốc độ sa thải vẫn yếu càng khiến Fed hào hứng tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay”.

Chuyên gia cổ phiếu Christopher Harvey tại Wells Fargo Securities, chia sẻ với CNBC: “Nhiều nhà phân tích trao đổi với chúng tôi rằng rằng Fed sẽ không giúp ích gì cho thị trường cổ phiếu khi ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến dịch lập lại ổn định giá cả”.

Trong khi đó, ông Ron Temple - Giám đốc đầu tư tại Lazard Asset Management nói rằng Fed đối mặt nhiều thách thức để đạt mục tiêu hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ sau khi số liệu việc làm tháng 9 được công bố. "Mặc dù tốc độ tăng trưởng việc làm đang chậm lại, nền kinh tế Mỹ vẫn còn quá nóng để Fed đạt được mục tiêu lạm phát. Kế hoạch giúp nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm của FED ngày càng trở nên khó khăn hơn" – chuyên gia Temple nhận định.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm khiến lãi suất tăng, qua đó gây áp lực lên chứng khoán. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm cộng 6 điểm cơ bản lên 4,316%.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cổ phiếu Advanced Micro Devices sụt mạnh sau khi hãng sản xuất con chip này cảnh báo doanh thu quý III sẽ thấp hơn kỳ vọng. Cổ phiếu Levi Strauss giảm sau khi hạ triển vọng công ty.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ phiên 7/10, trong đó cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm ít nhất. Cổ phiếu công nghệ, tiêu dùng thiết yếu và viễn thông là những nhóm lao dốc mạnh hơn thị trường chung.