Fed phát tín hiệu "bồ câu" hơn
Bất chấp lời cảnh báo về tác động tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng ngân hàng, Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vẫn nhất trí nâng lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%), sau khi kết thúc cuộc họp chính sách ngày 22/3. Theo đó, phạm vi lãi suất chuẩn của Fed được nâng lên 4.75%-5%.
Lãi suất này áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức mà người tiêu dùng phải trả, động thái của Fed vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày, như vay mua nhà, mua xe, dùng thẻ tín dụng.
Cùng với đợt nâng lãi suất thứ 9 kể từ tháng 3/20222, FOMC lưu ý họ không chắc sẽ nâng lãi suất trong tương lai và phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu sắp tới.
Thông báo sau cuộc họp của FOMC nêu rõ: “Ủy ban sẽ giám sát chặt chẽ thông tin và đánh giá tác động đối với chính sách tiền tệ. Chúng tôi dự đoán rằng một số chính sách bổ sung có thể là phù hợp để dần dần giúp lạm phát trở lại mức 2%.”
Tuyên bố lần này khác với những thông báo trước đây, khi FOMC nói rằng “những đợt tăng lãi suất liên tục” sẽ là phù hợp để hạ nhiệt lạm phát. Quan điểm ôn hòa hơn được Fed đưa ra trong bối cảnh những bất ổn của ngành ngân hàng đang diễn ra, làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của cả hệ thống.
Theo CNBC, các dự báo được thị trường đưa ra về mức lãi suất cao nhất là 5,1% vào cuối năm nay, không thay đổi so với ước tính vào tháng 12/2022 và cho thấy phần lớn các quan chức dự đoán chỉ thực hiện 1 đợt tăng lãi suất nữa.
Thông báo này cũng cho thấy 7 trong số 18 quan chức Fed dự đoán về mức lãi suất cao nhất trong biểu đồ dot plot [dự báo của từng quan chức Fed về lãi suất ngắn hạn] là cao hơn 5,1%. Các dự đoán về mức lãi suất trong 2 năm tới cũng cho thấy sự bất đồng đáng kể giữa các thành viên của Ủy ban. Tuy nhiên, ước tính trung bình cho thấy mức giảm 0,8% vào năm 2024 và 1,2% vào năm 2025.
Khủng hoảng ngân hàng khiến Fed thay đổi?
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc sử dụng từ ngữ mới trong tuyên bố là vì Fed không chắc chắn về tác động từ các vụ sụp đổ Silicon Valley Bank và Signature Bank cùng các biến động gần đây trong ngành ngân hàng đối với nền kinh tế.
"Tác động từ các vụ phá sản ngân hàng có thể nhẹ hoặc có thể khiến kinh tế giảm tốc mạnh. Nếu trường hợp giảm tốc mạnh xảy ra, khả năng nâng lãi suất sẽ giảm đi" - CNBC dẫn phát biểu của ông Powell tại cuộc họp báo.
Fed phát tín hiệu bớt “diều hâu” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng gây lo ngại về ổn định của hệ thống. Trong thông báo mới nhất, quan chức Fed cũng lưu ý tới tác động tiềm ẩn từ các sự cố gần đây. FOMC cho hay: “Hệ thống ngân hàng của Mỹ rất vững chắc và linh hoạt. Những biến động gần đây có thể sẽ khiến điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, hoạt động tuyển dụng và lạm phát. Mức độ ảnh hưởng đến nay vẫn chưa chắn chắn. Ủy ban vẫn chú ý đến rủi ro lạm phát”.
Theo giới chuyên gia, quyết định tăng lãi suất mới nhất của Fed đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng ổn định giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell ám chỉ lãi suất có thể lên cao hơn và duy trì lâu hơn dự kiến. Song, những bất ổn của ngành ngân hàng đang diễn ra nhanh chóng, cản trở những động thái "diều hâu" của ngân hàng Trung ương Mỹ và góp phần tạo ra tâm lý chung trên thị trường rằng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay.
Tại cuộc họp lần này, các quan chức ngân hàng Trung ương Mỹ cũng điều chỉnh dự báo về kinh tế. Giới chức Fed nâng nhẹ dự báo lạm phát lên mức 3,3% trong năm 2023, cao hơn mức 3,1% trước đó. Dự báo về tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,5%, trong khi dự báo về tăng trưởng GDP giảm xuống 0,4%.
Các quan chức hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 xuống 1,2%, từ dự báo tăng 1,6% trong tháng 12/2022.