Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G7 cân nhắc chặn việc xuất khẩu dầu mỏ của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), đang xem xét ngăn chặn việc vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga nếu Moscow không đồng ý áp giá trần.

G7 cân nhắc chặn vận chuyển dầu mỏ của Nga. Ảnh: Reuters
G7 cân nhắc chặn vận chuyển dầu mỏ của Nga. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, sau cuộc họp hôm 2/8, các ngoại trưởng G7 gồm Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada, đã ra một tuyên bố chung cho biết, các nước này đang cân nhắc một lệnh ngăn chặn hoàn toàn dịch vụ vận chuyển bằng đường biển đối với dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga trừ khi dầu được mua với giá thấp hơn hoặc bằng mức được nhất trí sau khi tham vấn các đối tác quốc tế.

"Trong các giải pháp có thể lựa chọn nhằm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, chúng tôi sẽ cân nhắc các cơ chế giảm thiểu thiệt hại cùng với các biện pháp hạn chế để đảm bảo những nước bị ảnh hưởng nhất có thể duy trì khả năng tiếp cận các thị trường năng lượng", tuyên bố của G7 cho hay.

Tuyên bố nêu rõ: "Khi chúng ta loại bỏ năng lượng Nga khỏi thị trường trong nước, chúng ta sẽ tìm kiếm các giải pháp để giảm nguồn thu của Nga, hỗ trợ ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và hạn chế tối đa tác động tiêu cực về kinh tế".

Mỹ và Anh đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) cũng áp đặt lệnh cấm vận một phần với dầu mỏ của Moscow. Tuy nhiên, các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ đã đẩy mạnh nhập khẩu nhiên liệu của Nga khi mức chiết khấu cao kỷ lục.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế, mặc dù xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 6/2022 đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, nhưng doanh thu lại tăng 700 triệu USD so với tháng trước đo do giá cao hơn 40% so với mức trung bình của năm ngoái.

Do phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, phương Tây đang tìm cách hạn chế nguồn thu của Nga mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung hoặc khiến giá tăng cao. Đó là lý do một số nước đưa ra ý tưởng áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, nghĩa là áp đặt một mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường mà Nga sẽ nhận được.

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, dựa trên chi phí sản xuất dầu và giá dầu của Nga trước khi xung đột Ukraine nổ ra, phương Tây đang tính áp trần giá bán dầu Nga quanh 40-60 USD/thùng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Đức cuối tháng 6, lãnh đạo các nước phương Tây đã thống nhất xem xét các phương án áp trần giá, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm từ dầu của Nga, trừ khi giá bán dưới mức trần.

Một số thương nhân và nhà phân tích thị trường dầu hoài nghi về tính khả thi của đề xuất áp giá trần dầu mỏ Nga khi cho rằng Moscow có thể sẽ tìm cách vận chuyển dầu đến châu Á mà không sử dụng các tàu ​​của phương Tây. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể ngừng xuất khẩu dầu mỏ, điều này sẽ khiến giá “vàng đen” tăng vọt.