Gạt phăng lời kêu gọi của Washington, OPEC+ chỉ tăng nhỏ giọt sản lượng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm OPEC+ vừa quyết định chỉ tăng 100.000 thùng dầu một ngày, tương đương 0,1% nhu cầu toàn cầu, mặc dù Mỹ nhiều lần kêu gọi liên minh tăng mạnh sản lượng.

Ngày 3/8, OPEC+ thông báo chỉ tăng 100.000 thùng dầu một ngày từ tháng 9 tới. Ảnh: Reuters
Ngày 3/8, OPEC+ thông báo chỉ tăng 100.000 thùng dầu một ngày từ tháng 9 tới. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, kết thúc cuộc họp chính sách trực tuyến hôm 3/8, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, thống nhất chỉ bổ sung thêm nguồn cung với mức tăng khiêm tốn khoảng 100.000/ngày từ tháng 9 tới, thấp hơn nhiều so với mức tăng trước đó và là một trong những mục tiêu thấp nhất lịch sử OPEC+.

Mức tăng nhỏ giọt này tương đương 0,1% nhu cầu toàn cầu. Mức tăng tương đương nhu cầu dầu toàn cầu trong 86 giây nêu trên diễn ra sau nhiều tuần đồn đoán rằng chuyến đi của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Đông sẽ khiến nguồn cung dầu mỏ dồi dào hơn nhằm giúp kéo giảm giá xăng trong nước.

Các nhà phân tích nhận định việc tăng sản lượng nhỏ giọt của OPEC+ là "sự xúc phạm" đối với chuyến công du Ả Rập Saudi của ông Biden hồi tháng 7 vừa qua - vốn nhằm yêu cầu lãnh đạo nhóm này bơm dầu nhiều hơn để giúp Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.

Ông Raad Alkadiri, giám đốc điều hành về năng lượng, khí hậu và tính bền vững của của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group nói rằng mức tăng sản lượng của OPEC+ thấp đến mức vô nghĩa. "Mức tăng sản lượng quá thấp gần như không có ý nghĩa, đó chỉ như một đốm sáng bên lề. Xét về ý nghĩa chính trị, quyết định đó gần như một sự xúc phạm" - ông Alkadiri nhận xét.

Ngay sau khi OPEC+ thông báo quyết định về sản lượng, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Mỹ vẫn nỗ lực tìm giải pháp để giảm giá xăng trong nước. Trong khi đó, Amos Hochstein, Cố vấn an ninh năng lượng hàng đầu của chính quyền Mỹ, thừa nhận động thái này của OPEC+ sẽ không có tác động đáng kể đến nỗ lực giảm chi phí nhiên liệu đối với người dân Mỹ.

Theo giới chuyên gia, mức tăng không đáng kể này sẽ khó xoa dịu người tiêu dùng Mỹ đang vật lộn với lạm phát cao kỷ lục do giá nhiên liệu tăng cao. Lạm phát của Mỹ trong tháng 7 ghi nhận mức cao nhất trong 40 năm.

Động thái mới nhất từ OPEC+ cũng xóa tan kỳ vọng về khả năng liên minh do Ả Rập Saudi và Nga đứng đầu tăng cung mạnh tay sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao của Mỹ.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp hôm 3/8, OPEC+ cho biết liên minh này không thể bơm nhiều dầu mỏ hơn do công suất dự phòng của hầu hết các thành viên còn hạn chế. Trên thực tế chỉ Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là có khả năng tăng sản xuất.

Theo số liệu mới nhất, sản lượng thực tế của OPEC+ trong tháng 6 thấp hơn mức hạn ngạch do các lệnh trừng phạt đối với một số thành viên và mức đầu tư thấp của các thành viên khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thỏa thuận tăng nhẹ sản lượng của tổ chức này.

Theo tuyên bố của OPEC+, tình trạng thiếu đầu tư thường xuyên vào lĩnh vực dầu mỏ sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu được dự báo ngày càng tăng mạnh sau năm 2023.

Trước đây, OPEC+ đã tăng sản lượng thêm khoảng 430.000-650.000 thùng/ngày, dù gặp khó khăn để hoàn thành mục tiêu do hầu hết các thành viên đã cạn kiệt tiềm năng sản xuất.

Theo các nguồn tin, OPEC+ từ chối tăng mạnh sản lượng tại cuộc họp lần này nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác năng lượng với Nga như một phần của thỏa thuận trong nhóm.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Alrai của Kuwait hôm 31/7, Tổng thư ký mới của OPEC Haitham al-Ghais nói rằng Nga đóng vai trò vô cùng quan trọng cho thành công của các thỏa thuận về chính sách sản lượng của OPEC+. Ông Al-Ghais khẳng định OPEC không cạnh tranh với Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow là “nhà sản xuất năng lượng lớn và có ảnh hưởng cao trên bản đồ năng lượng thế giới".

Giá dầu đã nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi vượt ngưỡng 139 USD/thùng vào tháng 3, sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine. Kể từ đó, giá dầu đã hạ nhiệt, duy trì quanh mức hơn 100 USD/thùng do lạm phát tại nhiều nước tăng vọt và lãi suất cao hơn làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu.

Trong diễn biến mới nhất trên thị trường, giá dầu tăng nhẹ trong ngày 4/8 sau khi chạm mức thấp nhất trong 6 tháng ở phiên trước đó. Cụ thể, giá dầu Brent cộng 53 xu Mỹ, tương đương 0,6%, về mức 97,31 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ cũng tăng 55 xu Mỹ, khoảng  0,6%, đạt mức 91,21 USD/thùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần