Gazprom duy trì vận chuyển khí đốt sang châu Âu, giá khí đốt giảm mạnh

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu lần đầu tiên kể từ ngày 1/3 giảm xuống dưới mức 1.400 USD/1.00 m3, theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE ở London.

Theo hãng tin Tass, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 4 tại trung tâm TTF ở Hà Lan khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm giảm xuống còn 1.370 USD/1.000 m3, tương đương 120,01 Euro/MWh.

Chốt phiên ngày 10/3, giá khí đốt tại châu Âu lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1.400 USD/1.000 m3. Ảnh: RT
Chốt phiên ngày 10/3, giá khí đốt tại châu Âu lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1.400 USD/1.000 m3. Ảnh: RT

Giá khí đốt tại châu Âu đã lập mức cao nhất thời đại trong phiên giao dịch ngày 7/3 khi nhảy vọt  tới 3.600 USD/1.000 m3. Trước đó 4 ngày, giá khí đốt ở châu Âu trên sàn giao dịch ICE phá kỷ lục được ghi nhận vào cuối tháng 12/2021, lên gần 2.230 USD/1.000 m3, tăng 59,4%.

Giá khí đốt tăng mạnh trong các phiên đầu tháng này khi các nhà đầu tư lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng khổng lồ đồng thời là nhà xuất khẩu khí đốt chính của Nga Gazprom ngày 11/3 cho biết họ tiếp tục cung cấp khí đốt sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine như bình thường.

Phát biểu với báo chí hôm 11/3, người phát ngôn của Gazprom Sergey Kupriyanov thông báo: “Tập đoàn Gazprom đang thực hiện hợp đồng cung cấp khí đốt cho khách hàng châu Âu qua lãnh thổ Ukraine, đạt tổng cộng  109,5 triệu mét khối tính đến ngày 11/3”.

Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, con số này là khoảng 50%. Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60% khí đốt tự nhiên từ Nga.

Đến nay, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp trả việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine mới chỉ tập trung vào các ngân hàng Nga, một số nhân vật có tầm ảnh hưởng, cấm máy bay Nga và không phận EU và ngừng xuất khẩu công nghệ sang Nga.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimi Putin khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo hợp đồng đã ký kết.

Phát biểu trong cuộc họp chính phủ ngày 10/3, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga  sẽ tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu mặc dù bị áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện, trong đó có cả lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga của Mỹ.

Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng phương Tây đang cố đổ lỗi cho Nga về việc giá năng lượng trên thế giới tăng vọt. “Họ thông báo rằng họ đang cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào thị trường Mỹ. Giá cả và lạm phát tại Mỹ hiện giờ đang tăng cao chưa từng có, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử. Họ cố gắng đổi lỗi cho chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không liên quan gì," ông Putin nói.

Để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, chính phủ Nga hôm 10/3 ban hành lệnh cấm xuất khẩu hàng loạt thiết bị viễn thông, y tế, phụ tùng ô tô, nông nghiệp, điện, công nghệ, cũng như một số sản phẩm lâm nghiệp, cho đến cuối năm 2022. Tổng cộng có hơn 200 mặt hàng đã được đưa vào danh sách tạm ngừng xuất khẩu.

Trong thông báo vừa được đưa ra, Bộ Kinh tế Nga khẳng định, biện pháp ngừng xuất khẩu là phản ứng hợp lý đối với những lệnh trừng phạt chống lại Nga của nhiều quốc gia và nhằm đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn của các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.