Gazprom vẫn dừng vận chuyển qua Yamal-Europe, giá khí đốt châu Âu tăng hơn 6%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh trong ngày 10/1 trong bối cảnh tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tiếp tục ngừng vận chuyển qua  đường ống Yamal-Europe.

Sau khi hạ nhiệt cuối tuần trước, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục leo dốc hơn 6% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/1 do những lo ngại về nguồn cung hạn chế từ Nga trong bối cảnh châu lục này đang bước vào thời tiết lạnh giá hơn. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá khí đốt trước 1 tháng theo hợp đồng của Hà Lan được giao dịch ở mức 89,30 Euro/MWh.

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng hơn 6% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/1
Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng hơn 6% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/1

Giá khí đốt châu Âu đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại hồi đầu tháng 12/2021 khi nhảy vọt lên hơn 180 Euro/MWh, tăng kỷ lục so với mức 19 Euro/MWh vào đầu năm 2021.

Sau khi giảm nhẹ vào cuối năm ngoái, giá khí đốt quay đầu tăng mạnh trong những tuần gần đây trong bối cảnh gia tăng lo ngại gián đoạn về nguồn cung.

Theo các công ty năng lượng, việc giá khí đốt tại châu Âu đột ngột tăng vọt chủ yếu là do nguồn cung khí đốt hạn chế từ Nga. Tuyến đường ống Yamal-Europe, chiếm khoảng 1/6 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục đổi hướng chuyển khí đốt từ Đức sang Ba Lan.  Yếu tố thời tiết lạnh giá hơn khiến nhu cầu sử dụng khí đốt cho hệ thống sưởi tăng cao cũng được xem là một nguyên nhân. 

Theo dữ liệu của nhà khai thác Gascade của Đức, ngày 10/1, đường ống dẫn khí Yamal-Europe, vốn dẫn khí đốt từ Nga đến Tây Âu, tiếp tục bơm nhiên liệu từ Đức sang Ba Lan. Đây là ngày thứ 21 liên tiếp đường ống này đổi hướng dòng chảy. Kết quả đấu giá khí đốt cho thấy  nhà xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga đã không đăng ký vận chuyển khí đốt xuất khẩu qua đường ống Yamal-châu Âu trong ngày 10/1.

Gascade thuộc sở hữu của WIGA, một liên doanh giữa Gazprom và công ty dầu khí Wintershall DEA. Công ty Wintershall DEA do tập đoàn hóa chất BASF (Đức) và tập đoàn LetterOne (Nga) đồng sở hữu. Gascade mua khí đốt Nga và cung cấp trong phạm vi nước Đức.

Thị trường khí đốt châu Âu cũng biến động mạnh trong ngày 10/1 sau khi tập đoàn Gazprom thông báo rằng họ không có kế hoạch tổ chức bán và giao khí đốt ngay trong tuần này.

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) nhiều lần cáo buộc Nga chơi "lá bài chính trị" về khí đốt bởi Moscow cung cấp khoảng hơn 35% tổng lượng khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, phía Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, đồng thời khẳng định nước này đang đáp ứng tất cả các hợp đồng khí đốt đã thỏa thuận cung cấp.

Trong khi đó, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm nguồn cung cho châu Âu, đã hoàn tất nhưng vẫn đang chờ giấy chứng nhận từ Đức và EU.