Giá dầu Brent tiếp tục "rơi tự do", chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu sụt gần 4%, xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do nhu cầu bị ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa để ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ hai.

Giá dầu châu Á tiếp tục đà giảm trong phiên 29/10 sau khi giảm 5% trong phiên trước đó, giữa lúc nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ hai.
Giá “vàng đen” tiếp tục lao dốc hơn 3% trong phiên 29/10, nới rộng đà giảm mạnh 5% trong phiên trước đó khi triển vong nhu cầu chịu áp lực từ việc nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp hạn chế để đối  phó đợt tái bùng phát dịch Covid-19.
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên 29/10.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 3,26% còn 36,17 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 6. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng sụt  3,76% còn 37,65 USD/thùng, chạm mức đáy kể từ tháng 5/2020. Trong phiên giao dịch ngày 28/10, giá cả 2 mặt hàng dầu này đều lao dốc hơn 5%.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới tăng cao tại châu Âu, Pháp sẽ yêu cầu mọi người ở nhà trừ các hoạt động thiết yếu từ ngày 30/10, trong khi Đức sẽ đóng cửa quán bar, nhà hàng và nhà hát từ ngày 2/11 đến hết tháng.
Ông John Hardy, chiến lược gia trưởng tại Saxo Bank, nhận xét: “Triển vọng nhu cầu năng lượng bị tác động xấu bởi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang “càn quét” ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa có thể đem đến ảnh hưởng xấu hơn kỳ vọng đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Tổ chức nghiên cứu của ANZ lưu ý việc tái bùng phát đại dịch Covid-19 trên thế giới đang gây áp lực buộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn được gọi OPEC+, trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác vào tháng 1/2021.
OPEC cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, lên kế hoạch hạ mức cắt giảm sản lượng vào đầu năm tới từ mức hiện tại 7,7 triệu thùng/ngày xuống còn 5,7 triệu thùng/ngày.
Theo chuyên gia John Hardy, sự gia tăng sản lượng dầu của Libya cũng gây sức ép lên tâm lý thị trường. Thành viên thuộc OPEC dự kiến sản lượng sẽ đạt 1 triệu thùng/ngày trong vài tuần tới, tăng gấp đôi so với mức hồi đầu tháng này.
Giá dầu ban đầu phục hồi nhẹ từ đà sụt giảm đêm qua trong phiên giao dịch buổi sáng của châu Á nhờ hỗ trợ kỹ thuật và triển vọng nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn khi bão Zeta đổ bộ vào Louisiana.
Đặc biệt, đà bán tháo dầu mỏ gia tăng mạnh trong tuần này do chịu áp lực từ thông tin cho thấy nguồn dự trữ nhiên liệu của Mỹ cao hơn dự báo.
Số liệu ngày 28/10 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến khi tăng thêm 4,57 triệu thùng dầu trong tuần trước (tính đến ngày 23/10).
Ngoài ra, giá dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi gói kích thích kinh tế mới của Mỹ khó có thể được thông qua cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tuần tới, đồng thời nguồn cung dầu mỏ của Libya tăng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần