Trong bối cảnh giá dầu trược dốc liên tục trong 6 tuần qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ quyết định giảm sản lượng khai thác sau cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 6/12 tới tại Áo.
Cụ thể, giá dầu thô Brent trong phiên ngày 23/11 có thời điểm sụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, chỉ còn 61,52 USD thùng, trước khi phục hồi lên mức 62,13 USD ở cuối phiên, giảm 47 xu Mỹ, tương đương 0,8% so với phiên trước đó.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng mất 2,3%, xuống còn 53,38 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã giảm xuống còn 52,82 USD/thùng trong phiên 20/11, chỉ cao hơn 5 xu Mỹ so với mức 52,77 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017.
Giá dầu Brent và WTI liên tục đảo chiều trong tháng 11/2018 với sự biến động chưa từng thấy kể từ đợt sụt giá trên thị trường giai đoạn 2014 - 2016 và trước đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.
Thị trường dầu thế giới liên tục lao dốc một phần là do chịu áp lực từ sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ bất ngờ tăng vọt, khi các công ty sản xuất dầu từ lưu vực Permian ở Texas đã khắc phục các tắc nghẽn đường ống dẫn dầu tới bờ Vịnh.
Bên cạnh đó, nguồn cung toàn cầu tăng mạnh trong năm nay cùng với triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu suy yếu và việc chính quyền Tổng thống Donald Trump miễn trừ tạm thời lệnh trừng phạt với 8 nước mua dầu Iran, đã đảo lộn tâm lý lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Riêng Mỹ, Nga và Ả Rập Saud - 3 nước sản xuất hàng đầu đã cung cấp cho thị trường dầu khoảng 100 triệu thùng/ngày, chiếm hơn 1/3 lượng dầu tiêu thụ toàn cầu.
Chuyên gia Jefferies thuộc ngân hàng đầu tư Mỹ nhận định: “Thị trường hiện đang dư dôi nguồn cung, điều này sẽ gây khó khăn trong việc thiết lập giá sàn. Sản lượng cao diễn ra trong bối cảnh triển vọng nhu cầu năng lượng sụt giảm do tác động từ việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm”.
Theo số liệu của tổ chức Refinitiv Eikon, giá “vàng đen” đã giảm khoảng 30% kể từ mức đỉnh thiết lập được trong phiên giao dịch đầu tháng 10 vừa qua, khi nguồn cung năng lượng toàn cầu bắt đầu vượt nhu cầu tiêu thụ trong quý IV/2018, kết thúc một giai đoạn nguồn cung thấp hơn nhu cầu kể từ quý I/2017.
Nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới Ả Rập Saudi cho biết, nước này sẽ điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu thấp hơn và có thể giảm nguồn cung. "Chúng tôi sẽ không bán dầu mà khách hàng không cần", Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih nói với các phóng viên hôm 22/11.
Ả Rập Saudi cũng đề xuất OPEC giảm nguồn cung khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, để hạn chế tình trạng dư cung. OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 6/12 để thảo luận về chính sách nguồn cung của tổ chức này.
Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ dự báo OPEC sẽ đạt được một thỏa thuận để cân bằng thị trường dầu mỏ trong năm 2019, và sẽ giúp giá dầu duy trì mức trên 50 USD/thùng trong ngắn hạn.