Giá “vàng đen” tiếp tục tăng mạnh hơn 2% trong ngày 15/2, qua đó giúp nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên hơn 5%, nhờ những dấu hiệu cho thấy nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn cùng với tiến triển trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thị trường năng lượng tỏ ra lạc quan trước bước tiến quan trọng của vòng đàm phán thương mại trong tuần này giữa Bắc Kinh và Washington, vốn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên ngày 11/2 do tâm lý thận trọng xung quanh vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ thế giới đã khởi sắc trong các phiên giao dịch sau đó.
Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán sơ bộ về vấn đề thương mại từ ngày 11/2 tại thủ đô Bắc Kinh, trước khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tham gia cuộc đàm phán cấp cao vào ngày 14-15/2.
Nếu các quan chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Sự lo ngại này là lý do chính cản trở đà tăng của giá dầu trong phiên 11/2. Giá dầu thế giới tăng 4 phiên liên tiếp sau đó nhờ Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thông báo đã cắt giảm sản lượng khá mạnh trong tháng 1 vừa qua. Bên cạnh đó, việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu trong tháng 1/2019 giảm 1,4 triệu thùng/ngày xuống 99,7 triệu thùng/ngày cũng góp phần hỗ trợ giá dầu trong tuần này.
Giới đầu tư cũng kỳ vọng vòng đàm phán mới giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này sẽ đưa hai bên tiến đến gần hơn một thỏa thuận giúp giải quyết những tranh chấp thương mại trong nhiều tháng qua, điều này tạo thêm động lực tăng cho giá dầu.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 14/2, giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 bất ngờ tăng và lượng dầu thô nhập khẩu của nước này cũng tăng mạnh vào thời điểm trước Tết Kỷ Hợi.
Đến phiên giao dịch ngày 15/2, giá dầu ngọt nhẹ WTI tiếp tục tăng mạnh, qua đó giúp nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên hơn 5%, nhờ việc Ả Rập Saudi cam kết cắt giảm sản lượng sâu hơn và những tiến triển trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc ngày 15/2 cho biết nước này và Mỹ đã đạt được tiến bộ quan trọng cho giai đoạn hiện tại của cuộc đàm phán thương mại, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Bắc Kinh.
Chốt phiên này, giá dầu WTI nhích 1,18 USD, (tương đương 2,2%) lên 55,59 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 1,68 USD (tương đương 2,6%) lên 66,25 USD/thùng.
Cả 2 mặt hàng dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 19/11/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Tuần qua, giá dầu WTI đã tăng 5,4%, dầu Brent nhảy vọt 6,7%.
OPEC hồi đầu tuần này cho biết sản lượng dầu thô của nhóm đã giảm gần 800.000 thùng/ngày trong tháng 1 xuống bình quân 30,81 triệu thùng/ngày, với phần lớn sự cắt giảm đến từ Ả Rập Saudi. Theo báo cáo mới nhất về thị trường dầu định kỳ hàng tháng của IEA, sản lượng của Ả Rập Saudi đã giảm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1 xuống sản lượng bình quân 10,24 triệu thùng/ngày.
Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, đã cam kết cắt giảm sản lượng nhiều hơn nữa trong những tháng sắp tới, Financial Times đưa tin. Tờ này trích lời Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih, người cho biết, nước này sẽ cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày để đưa sản lượng xuống mức 9,8 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2019.
Các chuyên gia phân tích tại Commerzbank nhận định: “Thị trường hiện chỉ đang phản ứng với các thông tin hỗ trợ giá như thông báo sẽ giảm sản lượng hơn nữa của Ả Rập Saudi”.
Trong khi đó, dữ liệu từ Baker Hughes công bố hôm 15/2 cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã tăng 2 tuần liên tiếp, cộng 3 giàn lên 857 giàn trong tuần này.
Tuy nhiên, góp phần vào kỳ vọng nguồn cung toàn cầu được thắt chặt hơn, Energy Intelligence hôm 14/2 đưa tin rằng tập đoàn Saudi Aramco đã ngừng sản xuất dầu trong tuần này tại Safaniyah, mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới. Mỏ dầu này có khả năng sản xuất hơn 1 triệu thùng/ngày./.