Giá dầu Brent và WTI đều tăng gần 2% trong phiên giao dịch ngày 5/6 khi nhà đầu tư phản ứng với việc điều chỉnh sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, cũng như thông báo tự nguyện giảm sâu nguồn cung của Ả Rập Saudi.
Cụ thể, giá dầu Brent leo dốc 1,43% lên mức 77,22 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI cộng 1,5% lên 72,86 USD/thùng. Liên minh OPEC+, do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu, cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới, đồng nghĩa các chính sách của tổ chức này có thể tác động lớn đến giá dầu.
Kết thúc cuộc họp chính sách ở Vienna hôm 4/6, các nước OPEC+ đã nhất trí điều chỉnh tổng sản lượng khai thác của khối ở mức 40,46 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2024. Theo các cam kết sửa đổi do OPEC+ công bố sau cuộc họp, Ả Rập Saudi sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày, kể từ tháng 1/2024.
Theo ước tính, các cam kết sửa đổi của liên minh gồm 23 thành viên sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Cũng trong ngày 4/6, Ả Rập Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7 tới nhằm thúc đẩy giá “vàng đen” thế giới.
Phát biểu tại buổi họp báo hôm 4/6, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman tuyên bố vương quốc dầu mỏ sẽ giảm sản lượng từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 xuống còn 9 triệu thùng/ngày vào tháng 7. Đây là mức giảm lớn nhất trong nhiều năm qua, và chính quyền Riyadh có thể tiếp tục kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu thấy cần thiết.
Theo Reuters, các nhà phân tích nhận định, việc Ả Rập Saudi tự nguyện giảm mạnh sản lượng dầu vào tháng 7 sẽ khiến sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu trở nên trầm trọng hơn trong quý III/2023, có khả năng đẩy giá dầu Brent lên ngưỡng 100 USD/thùng.
Chuyên gia Helima Croft của Quỹ RBC Capital nói rằng mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày cao gần gấp đôi so với mức giảm thực tế kể từ tháng 10/2022.
Ông Bob McNally, giám đốc Công ty phân tích Rapidan Energy, nói với đài CNBC sau quyết định bất ngờ của Riyadh: "Thị trường không kỳ vọng nhiều vào quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Ả Rập Saudi. Điều đó một lần nữa chứng minh rằng Ả Rập Saudi sẵn sàng hành động đơn phương để ổn định giá dầu. Chúng tôi tin rằng giá dầu Brent sẽ vượt mốc 100 USD/thùng vào năm tới".
Tương tự, Trưởng Bộ phận nhu cầu toàn cầu và phân tích châu Á Kang Wu tại Công ty S&P Global Commodity Insight ước tính sự gia tăng đáng kể của nhu cầu dầu trong mùa hè ở Bắc bán cầu sẽ khiến lượng dầu dự trữ giảm và đẩy giá dầu tăng cao hơn trong những tháng tới.
Trong khi đó, phát biểu với hãng tin Reuters ngày 5/6, nhà phân tích Vivek Dhar từ Ngân hàng Commonwealth của Australia (CBA) cho biết, giá dầu Brent sẽ tăng lên 85 USD/thùng vào quý IV/2023, bất chấp nhu cầu về dầu của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới – phục hồi yếu.
Giá dầu đã giảm trong 10 tháng qua bất chấp nhiều nỗ lực của các nhà sản xuất nhằm thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Quyết định cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ vào tháng 4 đã nhanh chóng đẩy giá dầu Brent lên khoảng 9 USD, nhưng sau đó giá dầu liên tục lao dốc do áp lực từ lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent giao dịch ở mức 76 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng mức giá này không đủ để Ả Rập Saudi và các nhà sản xuất dầu mỏ khác tại Trung Đông cân bằng ngân sách.
Hồi tháng 5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Ả Rập Saudi cần giá dầu ở mức 80,90 USD/thùng để cân bằng ngân sách và tài trợ cho một số “dự án khổng lồ” mà Hoàng tử Mohammed bin Salman hy vọng có thể chuyển đổi nền kinh tế.