Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu có thể lên 200 USD/thùng nếu ngành năng lượng Nga bị trừng phạt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc điều hành công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất Mỹ Pioneer Natural Resources, ông Scott Sheffield, cảnh báo giá dầu có thể nhảy vọt lên mức 200 USD/thùng nếu phương Tây cấm vận dầu và khí đốt của Nga.

Trong tuần qua, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 .
Trong tuần qua, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 .

Theo RT, ông Sheffield đánh giá: “Nếu các nước phương Tây thông báo sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt với lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga, giá dầu có nhiều khả năng sẽ vọt lên mức 150 USD đến 200 USD”.

Ông Sheffield cảnh báo Mỹ sẽ không thể thay thế nguồn cung cấp dầu thô từ Nga trong năm 2022, và lưu ý thêm rằng sẽ mất nhiều tháng ngành dầu đá phiến của Mỹ mới tăng được sản lượng khai thác.

Theo ông Sheffield, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ gặp khó khăn vì các hạn chế trong chuỗi cung ứng, cũng như vì Phố Wall đòi hỏi các nhà khai thác sử dụng tiền thu được từ giá dầu tăng để trả cổ tức thay vì khoan thêm giếng dầu.

Lãnh đạo Pioneer Natural Resources giải thích: “Chúng ta không thể thay đổi ngay trong năm nay. Phải mất từ 2 đến 3 năm mới thực hiện được kế hoạch tăng tốc sản lượng. Bởi vì với ngành đá phiến ở Mỹ, ngay cả khi có thêm giàn khoan… thì cũng phải mất 6 đến 8 tháng mới có được sản phẩm đầu tiên. Bên cạnh đó, chúng ta đang gặp trở ngại như  tình trạng thiếu lao động, thiếu kỹ thuật, thiếu giàn khoan, thiếu cát”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 4/3 đã bác bỏ lời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng ngay lập tức đối với Nga, cho rằng hành động như vậy sẽ gây hại cho người Mỹ nhiều hơn là Nga.

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong các phiên giao dịch gần đây khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang và người mua trên thị trường không muốn mua dầu từ Nga.

Giá “vàng đen” đã leo dốc hơn 20% kể từ khi Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Nga chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu và là nhà sản xuất lớn thứ ba sau Mỹ và Ả Rập Saudi.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu Brent tăng 6,9%, lên 118,11 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất từ tháng 2/2013.. Còn giá dầu WTI cộng 7,4%, đạt mức 115,68 USD/thùng, chạm đỉnh kể từ tháng 9/2008. Theo Reuters, hôm 4/3, Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc cắt giảm lượng dầu nhập khẩu của Nga và cân nhắc các biện pháp làm giảm thiểu tác động của việc cắt giảm này đối với nguồn cung và người tiêu dùng toàn cầu.

Ngày 3/3, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin - đảng viên đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski - đảng viên Cộng hòa đã đề xuất lưỡng đảng ra dự luật cấm nhập khẩu năng lượng của Nga để phản ứng lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và các thượng nghị sĩ nói đây là biện pháp chống lại việc Nga “vũ khí hoá” năng lượng.

Dự luật đang được thảo luận tại Thượng viện. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn đang xem xét một cách thận trọng do lo ngại về việc giá xăng dầu leo dốc mạnh sẽ dẫn đến lạm phát vốn đã lập kỷ lục trong 40 năm sẽ tiếp tục tăng cao.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Cecilia Rouse lưu ý rằng mặc dù Mỹ không nhập khẩu nhiều dầu của Nga nhưng họ vẫn đang cân nhắc một loạt các bước có thể thực hiện.

Đầu tuần này, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody công bố triển vọng về giá cả hàng hóa khi khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang, trong đó nói rằng “việc Nga đáp trả các lệnh trừng phạt có thể gây ra cú sốc giá năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu”.