Giá dầu Brent được giao dịch ở mức 52,82 USD/thùng, tăng 30 xu Mỹ, tương đương 0,6%, mức cao nhất kể từ ngày 25/5.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 16 xu Mỹ, khoảng 0,3%, đạt mức 49,87 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đã tăng khoảng 10% kể từ cuộc họp hồi đầu tuần trước giữa OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, bao gồm cả Nga. Tại cuộc họp này, các nước OPEC bàn biện pháp có thể áp dụng để thắt chặt thêm nguồn cung dầu toàn cầu.
Ngân hàng ANZ ngày 31/7 nhận định rằng giá dầu WTI có khả năng vượt ngưỡng 50 USD/thùng, trong khi dầu Brent có thể vượt 52 USD/thùng, bởi có nhiều dấu hiệu thể hiện thị trường dầu thế giới đang cân bằng hơn.
Các nhà giao dịch dầu thô cho biết giá dầu phục hồi trong những phiên gần đây chủ yếu là do nguồn cung dầu ở Mỹ có chiều hướng thắt chặt.
“Giá dầu tăng mạnh chủ yếu do lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm sút trong mấy tuần trở lại đây”, nhà phân tích đầu tư William O’Loughlin thuộc Công ty chứng khoán Rivkin của Australia phân tích.
Theo ông O’Loughlin, xu hướng đi lên của giá "vàng đen" trong những phiên giao dịch vừa qua có thể đánh giá thị trường dầu đang cân bằng trở lại nhờ việc OPEC và Nga cắt giảm sản lượng.
Cơ quan Năng lượng Mỹ cho biết, sản lượng dầu thô của nước này đã giảm 0,2%, còn 9,41 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 21/7. Trong khi đó, lượng dầu tồn kho của Mỹ cũng đã giảm khoảng 10% kể từ mức đỉnh hồi tháng 3, còn 483,4 triệu thùng.
Hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang chững lại. Trong tháng 7 này, các nhà khai thác dầu của Mỹ chỉ đưa thêm 7 giàn khoan vào hoạt động, mức tăng thấp nhất trong tháng kể từ tháng 5/2016.
Thị trường dầu toàn cầu cũng lo ngại trước thông tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela, nhằm đáp trả lại cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến của Caracas mà Mỹ đã lên án trước đó.