Trong phiên giao dịch ngày 10/12, giá dầu quay đầu giảm gần 3% sau tuần tăng giá nhờ quyết định cắt giảm sản lượng do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh. Giá dầu chịu áp lực mất giá trong phiên khi thị trường hướng sự chú ý đến những lo ngại về tăng trưởng trong nhu cầu.
Ngoài ra, chuyên gia John Kilduff của Công ty Again Capital Management ở New York cho rằng mối quan hệ cùng chiều giữa thị trường chứng khoán và thị trường dầu đã quay trở lại trong phiên này.
Các thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt lao dốc sau khi đà giảm điểm tại châu Âu và châu Á lan sang thị trường Phố Wall trước những dấu hiệu mới cho thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Giá dầu nhích nhẹ trong ngày 11/12. Song sang phiên ngày 12/12, giá dầu tiếp tục trượt dốc do dự báo kém lạc quan của OPEC về nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu. Báo cáo tháng 12/2018 của OPEC cho biết, nhu cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới dự báo sẽ chỉ tăng thêm khoảng 1,29 triệu thùng/ngày lên bình quân 100,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn dự báo ban đầu đưa ra hồi tháng 7/2018.
Đến phiên ngày 13/12, giá dầu phục hồi hơn 2% sau số liệu cho thấy dự trữ “vàng đen” tại Mỹ giảm và kỳ vọng của giới đầu tư rằng thị trường sẽ sớm được cân bằng hơn giữa cung và cầu trên toàn cầu.
Giá dầu được hỗ trợ tăng mạnh trong phiên này nhờ thông tin Ả Rập Saudi tính giảm lượng dầu xuất khẩu sang Mỹ trong tháng tới. Ngoài ra, thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC và Nga đạt được hồi đầu tháng cũng có tác dụng nâng đỡ giá dầu.
Theo chuyên gia năng lượng James William thuộc WTRG Economics, việc Ả Rập Saudi có kế hoạch giảm bán dầu cho Mỹ "cho thấy Riyadh thực sự nghiêm túc trong việc tái cân bằng thị trường dầu".
Tuy nhiên, giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày 14/12, khép lại một tuần đi xuống, khi đồng USD mạnh lên và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ gây áp lực lên giá "vàng đen".
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu thô WTI hạ 1,38 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, còn 51,2 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu WTI mất 2,7%.
Giá dầu thô Brent cũng sụt 1,17 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 60,28 USD/thùng. Giá dầu Brent trượt 2,3% trong tuần.
Trong phiên này, áp lực giảm giá đối với dầu mỏ đã quay trở lại khi các số liệu kinh tế u ám của Trung Quốc khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm và làm gia tăng những lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 11 của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ năm 2003, trong khi sản lượng công nghiệp của nước này tăng thấp nhất gần 3 năm. Các số liệu này cho thấy rủi ro mà kinh tế Trung Quốc phải đương đầu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,6%, khiến giá dầu thô càng có thêm lý do để giảm. Đồng bạc xanh được giới đầu tư mua mạnh để phòng ngừa rủi ro về tăng trưởng và địa chính trị.
"Giá dầu vẫn còn rất nhạy cảm với đà bán tháo trên thị trường chứng khoán, nhất là khi sự bán tháo đó kết hợp với đồng USD mạnh lên như trong phiên giao dịch ngày 14/12", ông Jim Ritterbusch - Chủ tịch Ritterbusch and Associates, nhận định trong một báo cáo.
Mối lo ngại về sự dư thừa nguồn cung dầu ngày càng lớn khi OPEC và đối tác gồm Nga đã nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, từ tháng 1/2019.
Trong bản báo cáo hàng tháng về triển vọng thị trường dầu lửa toàn cầu công bố ngày 13/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, sản lượng dầu của OPEC tăng 100.000 thùng/ngày và đạt mức 33,03 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Trong đó, sản lượng dầu của Ả Rập Saudi đạt kỷ lục 11,06 triệu thùng/ ngày, tăng 410.000 thùng/ngày so với tháng 10.
Trong tháng 11, sản lượng dầu của Ả Rập Saudi đạt kỷ lục 11,06 triệu thùng/ ngày, tăng 410.000 thùng/ngày so với tháng 10. |
"Cho tới khi việc giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh bắt đầu phát huy tác dụng, thì trong ngắn hạn, thị trường dầu vẫn dư cung", ông Tony Nunan, nhà quản lý rủi ro dầu lửa thuộc Mitsubishi Corp., nhận định. "Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, thì đó chắc chắn là một mối lo ngại".
Báo cáo của IEA dự báo thị trường dầu mỏ thế giới sẽ chuyển sang trạng thái thiếu cung đến quý II/2019 nếu OPEC và đối tác thực thi chặt chẽ thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Theo thỏa thuận này, OPEC sẽ giảm sản lượng dầu về mức 10,2 triệu thùng/ngày trong tháng 1.
IEA giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2019 ở mức 1,4 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với lần dự báo trước. IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới tăng trưởng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Trong khi đó, Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu thế giới sẽ hồi phục trong nửa đầu năm 2019 nhờ lượng tồn kho dầu giảm xuống, việc Ả Rập Saudi giảm xuất khẩu dầu, và biện pháp miễn trừ của Mỹ cho phép 8 nước được mua dầu từ Iran hết hạn.