Đà giảm của "vàng đen” kéo dài phiên thứ 2 liên tiếp trong phiên này trong khi thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ giao dịch khởi sắc.
Cụ thể, trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 67,63 USD/thùng, giảm 20 xu Mỹ, tương đương 0,3%. Giá mặt hàng dầu này cũng đã sụt nhẹ 0,2% trong phiên 27/3.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 23 xu Mỹ, tương đương 0,4% xuống còn 59,18 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng trượt dốc 0,9% trong phiên trước đó.
Ngày 27/3, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 2,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/3, sau khi giảm 2 tuần liên tiếp. Con số này cao hơn dự báo tăng 1.9 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API), nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 2,2 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Thị trường dầu mỏ đã chịu áp lực do lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng cao mặc dù nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là OPEC+.
Edward Moya - nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA, nhận xét: “Mặc dù giảm liên tiếp 2 phiên, giá dầu vẫn sẽ nhận được lực đẩy quan trọng từ thỏa thuận cắt giảm sản xuất của các nước trong và ngoài OPEC và chắc chắn sẽ tăng trong ngắn hạn”.
Những nỗ lực từ OPEC+ để cắt giảm sản lượng cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã mang đến một số hỗ trợ cho dầu, giúp giá dầu leo dốc hơn 25% từ đầu năm đến nay.
Dẫu vậy, các hợp đồng dầu WTI đã suy yếu gần đây do những lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế có thể làm suy yếu nhu cầu năng lượng. Đà sụt giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ và sự đảo ngược đường cong lợi suất đã nhấn mạnh những lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng.