Mặc dù giá “vàng đen” tăng trong phiên giao dịch ngày 24/5, song tính chung trong tuần giá dầu vẫn ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong năm nay, trước sự gia tăng nguồn dầu dự trữ của Mỹ và mối lo về xung đột thương mại Mỹ - Trung bước vào vòng xoáy mới đe dọa triển vọng nhu cầu kinh tế toàn cầu.
Giá Brent giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý 70 USD/thùng, xuống 68,69 USD/thùng, trong khi WTI trượt khỏi mốc 60 USD, còn 58,63 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 4,5%, còn giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 6,4%.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 20/5, giá dầu WTI có thời điểm nhảy vọt lên 63,81 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 1/5 giữa bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) phát tín hiệu có thể duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong khi căng thẳng chính trị tại khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang.
Đến phiên 21/5, giá dầu biến động trái chiều khi các nhà đầu tư theo dõi diễn biến căng thẳng tại khu vực Trung Đông cũng như triển vọng của thương mại toàn cầu. Tình hình căng thẳng Mỹ - Iran đang đe dọa sự ổn định nguồn cung dầu trên thị trường dầu thô thế giới.
Ngoài ra, việc Mỹ gần đây nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei đã khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ tăng nhiệt. Giới đầu tư đang gia tăng lo ngại tình hình căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của Washington có thể khiến tăng trưởng kinh tế tế thế giới giảm tốc và tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu mỏ, cũng như niềm tin của thị trường.
Trong phiên giao dịch ngày 22/5, giá dầu lao dốc sau khi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng thêm 4,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/5. Theo EIA, dự trữ dầu thô của Mỹ đã ở mức 476,8 triệu thùng, cao hơn khoảng 4% so với mức bình quân vào thời gian này trong 5 năm qua.
Đến phiên giao dịch 23/5, giá dầu tiếp tục sụt mạnh giữa bối cảnh căng thẳng thương mại làm giảm triển vọng về nhu cầu đối với mặt hàng này. Giá dầu Brent giảm 4,6%, còn dầu WTI sụt 5,7% trong ngày 23/5 - phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018. Giá dầu chịu ảnh hưởng từ việc tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2017. Các chỉ số chứng khoán toàn cầu và giá dầu thế giới đều giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế u ám và chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Đà suy giảm trong ngày 23/5 đã đưa giá dầu WTI rớt mốc bình quân động 200 ngày, một thước đo động lực trong dài hạn, tại mức 60,55 USD/thùng.
Giá dầu đi lên trong phiên 24/5 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang gửi thêm quân tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 93 xu Mỹ, tương đương 1,4%, lên mức 68,69 USD/thùng, tuy nhiên tính chung trong tuần lại giảm 4,5%. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 72 xu Mỹ, tương đương 1,2%, kết thúc ở mức 58,63 USD/thùng. Mặt hàng dầu này cũng ghi nhận mức giảm hàng tuần khoảng 6,4%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Giá “vàng đen” phục hồi mạnh trong phiên này do bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung tại Trung Đông bị gián đoạn vì căng thẳng Mỹ - Iran tăng vọt.
Ngoài ra, giá dầu nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng của các thị trường chứng khoán toàn cầu. Chứng khoán Mỹ đã nhảy vọt sau báo cáo cho biết Tổng thống Trump có thể nới lỏng các ràng buộc đối với Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, như một phần trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các yếu tố nguồn cung có thể tiếp tục gây sức ép lên giá dầu và đó vẫn là động lực chính, theo các nhà phân tích tại Commerzbank.
“Nguồn cung vẫn đang tiếp tục bị thắt chặt. Iran đang xuất khẩu dầu ít hơn đáng kể do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các chuyến vận chuyển dầu từ Nga vẫn đang bị gián đoạn vì vấn đề chất lượng, và OPEC đang tiếp tục kiểm soát nguồn cung. Hiện chưa chắc chắn liệu Ả Rập Saudi có sẵn sàng đẩy mạnh sản lượng hay không trước đà sụt giảm gần đây của giá dầu. Do đó, chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến giá dầu tiếp tục tăng trong tương lai gần”, các nhà phân tích tại Commerzbank nhận định.