Giá dầu thế giới tăng trong phiên này do tình trạng bất ổn chính trị tại Iraq và Ecuador - 2 nước thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, đang đe dọa nguồn cung năng lượng toàn cầu trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc vào giữa tuần này.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 44 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 58,79 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 53,17 USD/thùng, cũng nhích 42 xu Mỹ, khoảng 0,8%.
Các nhà đầu tư đang lo ngại nguồn cung toàn cầu có thể bị ảnh hưởng khi bất ổn chính trị tại Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của OPEC, leo thang trong những ngày gần đây.
Bất ổn tại Iraq trong những ngày gần đây đã khiến 100 người thiệt mạng và hơn 6.000 bị thương khi các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực. Kể từ ngày 1/10 vừa qua, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối tình trạng tham nhũng trong chính phủ, tình trạng thất nghiệp cao trong giới trẻ và các dịch vụ công yếu kém.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Năng lượng Ecuador, quốc gia sản xuất dầu ít nhất của OPEC và sắp rời khỏi nhóm vào năm tới, cho biết các cuộc biểu tình chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” tại nước này có thể khiến sản lượng dầu giảm tới 59.450 thùng/ngày.
Michael McCarthy - chiến lược gia trưởng thị trường tại trung tâm CMC ở Sydney cho biết, giá dầu đang có chiều hướng đi lên trước các yếu tố rủi ro trong ngắn hạn.
Giới đầu tư đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung dự kiến sẽ khởi động từ ngày 10/10 tại Washington để có thể giúp xác định triển vọng nhu cầu năng lượng.
“Hầu hết những nhà quan sát thị trường vẫn dự báo nhu cầu lấy lại đà tăng. Điều đó nói rằng, điều này sẽ đòi hỏi một giải pháp cho cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung phải được tìm thấy trong tương lai gần. Do đó, các cuộc đàm phán thương mại vào cuối tuần này sẽ được theo dõi cực kỳ chặt chẽ”, các nhà phân tích tại Commerzbank nhận định.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 7/10 nói với các phóng viên rằng các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được tiến triển trong vòng đàm phán sắp tới, và Mỹ sẽ để ngỏ khả năng cho một thỏa thuận ngắn hạn miễn là “các vấn đề cốt lõi” được giải quyết, Fox News đưa tin.
Về nguồn cung dầu toàn cầu, dữ liệu từ Baker Hughes công bố hôm 4/10 cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ giảm 7 tuần liên tiếp, mất 3 giàn còn 710 giàn trong tuần trước.
Một cuộc thăm dò từ Platts công bố hôm 7/10 cho biết, sản lượng dầu thô OPEC giảm 1,48 triệu thùng/ngày xuống 28,45 triệu thùng/ngày trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong gần 17 năm.
Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, tuyên bố sẵn sàng tăng sản lượng từ 0,3 - 0,5 triệu thùng/ngày, tương đương 0,3 - 0,5% sản lượng toàn cầu, nếu việc khôi phục sản lượng của Ả Rập Saudi kéo dài hơn dự kiến.
Ả Rập Saudi, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, cho biết đã khôi phục hoàn toàn sản lượng sau cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở dầu mỏ chủ chốt của tập đoàn Aramco hôm 14/9 khiến sản lượng dầu của Riyadh giảm 50%.