Giá dầu tăng khi G7 tính đặt giá trần với dầu xuất khẩu của Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tục duy trì đà đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần khi nhà đầu tư lo ngại tác động với nguồn cung toàn cầu nếu G7 áp đặt biện pháp đặt giá trần với dầu xuất khẩu của Nga.

Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 27/6. Ảnh: Reuters
Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 27/6. Ảnh: Reuters

Thị trường “vàng đen” duy trì đà leo dốc trong phiên giao dịch ngày 27/6 trước quan ngại nguồn cung sẽ bị thắt chặt hơn trong trường hợp các nước phương Tây áp đặt thêm biện pháp mới nhằm siết chặt nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 27/6, giá dầu Brent giao sau tăng 22 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên mức 113,34 USD/thùng sau khi leo dốc 2,8% ở phiên cuối tuần trước.Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 107,73 USD/thùng, cũng cộng 11 xu Mỹ, tương đương 0,1%, sau khi tăng 3,2% trong phiên thứ Sáu tuần trước.

Tuần trước, giá cả hai mặt hàng trên đều ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp giữa bối cảnh quyết định tăng lãi suất tại các nền kinh tế chủ chốt thúc đẩy đồng USD lên giá đồng thời đào sâu mối lo ngại về nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, giá dầu vẫn giao dịch trên 100 USD/thùng, khi nguồn cung dầu thô và các sản phẩm dầu vẫn thắt chặt sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Trong tuần này, giới thương nhân đặc biệt hướng sự chú ý vào cuộc họp của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về những biện pháp kiềm chế xuất khẩu dầu của Nga và nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo hãng tin Bloomberg, tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 26-28/6 ở Đức,  lãnh đạo các nước G7 dự kiến sẽ thảo luận về các phương án đối phó với đà tăng của giá năng lượng và thay thế lượng dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga, cũng như các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Moscow mà không làm trầm trọng thêm lạm phát. Các biện pháp có thể bao gồm việc đưa ra giới hạn giá đối với các sản phẩm năng lượng xuất khẩu của Nga nhằm hạn chế doanh thu của Moscow trong khi giảm thiệt hại cho các nền kinh tế khác.

Mỹ, Canada và Anh đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga trong khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đạt được sự thống nhất về lệnh cấm một phần đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga.

Tuy nhiên, việc giá năng lượng tăng cao đã khiến các quốc gia phương Tây quan ngại rằng những lệnh cấm vận như vậy có thể không thực sự gây thiệt hại cho Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có từ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Moscow vẫn có nguồn thu lớn từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt ngay cả khi lượng xuất khẩu bị giảm.

Theo hãng tin Bloomberg, các quan chức phương Tây cho rằng việc áp đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu từ Nga có thể là giải pháp cho tình thế khó xử trên. Hãng tin Reuters cho biết, giới hạn giá là một trong số các phương pháp có thể gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga mà không khiến giá dầu toàn cầu tiếp tục tăng vọt. nữa. Theo Reuters, biện pháp này được kỳ vọng chỉ làm giảm doanh thu chứ không phải lượng dầu đưa ra thị trường.

Trong khi đó, nhà phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, có trụ sở tại Australia, nói rằng vẫn chưa rõ liệu biện pháp giới hạn giá có đạt được kết quả này hay không.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch năng lượng đang tập trung theo dõi tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran và hy vọng về đà phục hồi xuất khẩu dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Tại hội nghị thượng đỉnh tuần này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về triển vọng khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân Iran sau khi đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell  gặp các quan chức cấp cao ở Tehran để cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Về nguồn cung, thị trường sẽ dành nhiều sự chú ý cho cuộc họp giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn được gọi là OPEC+). Cuộc họp dự kiến được tổ chức vào ngày 30/6 để các nước xem xét tình hình thị trường và quyết định mức sản lượng dầu.Theo giới quan sát, nhóm OPEC+ nhiều khả năng duy trì mức tăng sản lượng hàng tháng trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8 như đã lên kế hoạch trước đó.