Tuy nhiên, đà phục hồi của giá “vàng đen” bị hạn chế trong phiên giao dịch này do dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại nhiều nước, đặc biệt tăng đột biến tại một số bang của Mỹ.
Cụ thể, giá dầu Brent cộng 54 xu Mỹ, tương đương 1,3%, lên mức 43,76 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở ngưỡng 41,46 USD/thùng, tăng 42 xu Mỹ, khoảng 1%.
Theo số liệu do Viện Dầu mỏ Mỹ công bố ngày 28/7, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 24/7 đã giảm 6,8 triệu thùng xuống còn 531 triệu thùng. Trong khi đó, theo cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, các nhà phân tích dự đoán dự trữ dầu của Mỹ sẽ tăng thêm 357.000 thùng.
Theo kế hoạch, Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức về lượng dầu thô dự trữ của nước này trong ngày 29/7(giờ địa phương).
Ông Bjornar Tonhaugen – chuyên gia chính về dầu của Rystad Energy, nhận xét: “Số liệu dầu dự trữ của Mỹ giảm tới 6,8 triệu thùng có thể giúp giá dầu tăng mạnh hơn nữa trong phiên giao dịch, song đà đi lên bị kìm hãm do gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung có thể tái xuất hiện trong tháng 8.
Giá dầu Brent đang hướng tới tháng tăng thứ 4 liên tiếp trong khi giá dầu WTI hướng tới tháng tăng thứ ba.
Tuy nhiên, sự hoành hành của đại dịch Covid-19 đang thổi bùng lại mối lo ngại về nhu cầu nhiên liệu sẽ lao dốc và tái diễn tình trạng dư thừa nguồn cung. Đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, vẫn ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục ở một số bang.
Tính đến ngày 29/7, toàn cầu ghi nhận gần 16,9 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 660.000 ca tử vong.
Mỹ đã 4.493.769 người mắc Covid-19, trong đó có 152.142 trường hợp tử vong và 2.174.154 bệnh nhân đã bình phục, xuất viện.
“Virus SARS-CoV-2 đang lan truyền như cháy rừng trên khắp châu Mỹ, trong khi nhiều nước châu Âu và châu Á đang có những dấu hiệu đáng lo ngại về đợt bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai” - chuyên gia hàng hóa Stephen Brennock của công ty môi giới dầu khí PVM nhận xét.
Các cơ sở lọc dầu Ấn Độ đang giảm lượng dầu xử lý, đóng cửa các đơn vị để bảo trì trong bối cảnh nhu cầu năng lượng nội địa và biên lợi nhuận chung của ngành suy yếu.
Tại Mỹ, các nghị sĩ của đảng Cộng hòa ngày 27/7 đã công bố đề xuất về một gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD nhằm giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của dịch Covid-19, 4 ngày trước khi chương trình trợ cấp bổ sung dành cho các lao động thất nghiệp của Mỹ kết thúc. Tuy vậy, gói kích thích kinh tế này hiện không nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và một số nghị sỹ của đảng Cộng hòa.
“Xuất hiện lo ngại về gói cứu trợ đang được thảo luận ở Quốc hội Mỹ. Gói cứu trợ mới có vai trò quan trọng với dầu, thúc đẩy lực cầu, đặc biệt là với xăng. Quá trình thương lượng càng dài, sức ép lên tâm lý thị trường càng lớn”, nhà phân tích John Kilduff tại Again Capital LLC cho hay.
Các nhà phân tích cũng lo ngại về những rủi ro đối với đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Theo dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED ) sẽ đưa ra một thông báo chính sách mới trong cùng ngày 29/7 (theo giờ địa phương). Nhiều khả năng thông báo này sẽ cho thấy cách FED đánh giá những rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới nghiêm trọng đến mức nào.