Giá dầu thế giới khởi sắc nhờ OPEC tuân thủ nghiêm thỏa thuận giảm sản lượng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tăng mạnh trong phiên 13/2 sau khi Ả Rập Saudi - nhà xuất khẩu hàng đầu OPEC cam kết sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, trong phiên này, giá dầu Brent tương lai tăng 77 xu Mỹ lên mức 63,19 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ WTI cũng nhích 53 xu Mỹ, giao dịch ở mức 53,63 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên 13/2.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 12/2 cho biết, tổ chức này đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 1/2019, sau khi Ả Rập Saudi hạ sản lượng và hoạt động xuất khẩu từ Venezuela sụt giảm.
Theo báo cáo vừa được công bố, OPEC cho biết, trong tháng 1/2019, tổ chức này đã cắt giảm sản lượng gần 800.000 thùng/ngày xuống 30,81 triệu thùng/ngày, theo cam kết cắt giảm sản xuất nhằm thúc đẩy giá dầu phục hồi.
Nước thành viên OPEC cắt giảm sản lượng dầu nhiều nhất trong tháng 1/2019 là Ả Rập Saudi (với 350.000 thùng dầu/ngày), tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Kuwait.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih hôm 12/2 nói trên tờ Financial Times rằng sản lượng của nước này sẽ giảm xuống dưới 10 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 3 tới.
Trong phiên này, giá dầu còn nhận được hỗ trợ khi Venezuela, thành viên của OPEC, đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị, với việc Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Công ty năng lượng quốc gia PDVSA. Sản lượng khai thác dầu tại Venezuela đã giảm 59.000 thùng/ngày trong tháng 1/2019.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Công ty năng lượng quốc gia PDVSA của Venezuela đã làm tê liệt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Nam Mỹ này.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) diễn ra trong các ngày 10-12/2 tại Dubai, UAE, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suheil al-Mazrouei dự đoán cán cân cung và cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng trong quý đầu của năm 2019 sau nhiều tuần sản lượng được cắt giảm.
Theo kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác đã đạt được trước đó, các nước thành viên OPEC cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, đã bắt đầu giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2019 để vực dậy giá dầu. Kế hoạch này dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 6/2019.
Một lực đẩy quan trọng đối với giá dầu trong phiên giao dịch này là nhờ báo cáo từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần tính đến ngày 8/2 giảm 998.000 thùng xuống 447,2 triệu thùng, trái với dự đoán tăng 2,7 triệu thùng được các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Giá dầu đã tăng 20% ​​từ đầu năm đến nay, tuy nhiên phần lớn đà phục hồi ghi nhận được vào đầu tháng 1, trước khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Venezuela.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý bất chấp chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC và cuộc khủng hoảng tại Venezuela, thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung.
Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng thêm 1,45 triệu thùng/ngày trong năm nay và bổ sung khoảng 790.000 thùng/ngày trong năm 2020, lên tới mức kỷ lục 13 triệu thùng dầu/ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Ngoài ra, sự giảm tốc của các nền kinh tế có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.