Tuần qua, giá dầu thế giới chứng kiến tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần, trước mối lo ngại của giới đầu tư về triển vọng không khả quan của kinh tế toàn cầu. Thị trường năng lượng hiện đang đối mặt sức ép giảm giá từ số liệu cho thấy tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng mạnh và sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới.
Trong phiên giao dịch ngày 21/1, giá “vàng đen” đi lên theo đà phục hồi trên thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, giá dầu quay đầu đi xuống, giảm khoảng 2% trong phiên ngày 22/1 do những lo ngại về tình hình kinh tế thế giới không quá lạc quan có thể khiến nhu cầu về dầu mỏ suy giảm.
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 cùng những dấu hiệu tăng trưởng chững lại của kinh tế Trung Quốc đã gây áp lực lên giá dầu, trong khi các nhà giao dịch lo lắng về việc nguồn cung toàn cầu tăng mạnh trong năm nay bất chấp giá dầu ở mức thấp hơn. Gene McGillian - Giám đốc nghiên cứu thị trường thuộc công ty tư vấn đầu tư Tradition Energy, nhận xét rằng những diễn biến trên đã khơi gợi lại mối quan tâm về triển vọng nhu cầu dầu mỏ giữa thời điểm nguồn cung đang dư dôi.
Bên cạnh đó, các mỏ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ bùng nổ về số lượng và hoạt động trong năm 2018. Số liệu chính thức mới nhất cho thấy sản lượng dầu thô của quốc gia này đạt mức kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày. Sang phiên giao dịch ngày 23/1, giá nhiên liệu thế giới tiếp tục trượt sâu do thị trường lo ngại nhu cầu nhiên liệu suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm sâu hơn nữa.
Đến phiên giao dịch 24/1, giá dầu biến động trái chiều, khi các nhà giao dịch chú ý tới khả năng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela và dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đó tăng mạnh. Các nhà giao dịch đang theo dõi sát sao việc Mỹ đe dọa trừng phạt Venezuela, động thái có thể khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn.
Tuy nhiên, động lực đi lên của thị trường bị hạn chế trước báo cáo ngày 24/1 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng 8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/1. Ở mức 445 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ vượt 9% so với mức trung bình 5 năm cho thời điểm này của năm. Giá dầu thế giới tăng trong phiên ngày 25/1, khi bất ổn chính trị ở Venezuela đặt ra nguy cơ thắt chặt nguồn cung dầu.
Giới đầu tư hiện đang tính đến khả năng Mỹ áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa của Venezuela sau khi Washington hôm 23/1 công nhận thủ lĩnh phe đối lập Venezuela, ông Juan Guaido, là Tổng thống nước này. Đáp trả động thái của Mỹ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã cắt quan hệ ngoại giao với Washington.
Các chuyên gia kinh tế nhận định nếu Mỹ trừng phạt ngành dầu lửa của Venezuela, thì nguồn cung dầu tư nước này ra thị trường toàn cầu sẽ bị gián đoạn, có khả năng đẩy giá dầu tăng.
Nhưng ngược lại, thị trường cũng đang lo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ yếu đi do kinh tế giảm tốc, và đây chính là nhân tố đang gây áp lực mất giá lên năng lượng này.
Chốt phiên này, giá dầu WTI tăng 56 xu Mỹ, tương đương tăng 1,05%, lên mức 53,69 USD/thùng. Tuần này, giá dầu WTI giảm 0,2%, đánh dấu tuần đi xuống đầu tiên trong 4 tuần.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 55 xu Mỹ, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 61,64 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 1,7%, kết thúc chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp.
Ngân hàng Barclays hạ dự báo giá dầu Brent trung bình của năm 2019 về mức 70 USD/thùng từ 72 USD/thùng trước đó. |
Hãng tin CNBC dẫn một báo cáo của RBC Capital Markets dự báo rằng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể làm gia tăng gấp đôi mức sụt giảm sản lượng dầu dự kiến trong 2019 của Venezuela.
Báo cáo nêu rõ: “Sản lượng khai thác dầu của Venezuela sẽ giảm khoảng 300.000-500.000 thùng/ngày trong năm nay, và lệnh trừng phạt có thể làm gia tăng gấp đôi con số này”. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khó có khả năng Mỹ sẽ áp đặt ngay các biện pháp trừng phạt mới đối với Venezuela.
"Chúng tôi cho rằng việc Mỹ nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela là điều khó có khả năng xảy ra, và sẽ là một biện pháp cuối cùng, nếu có thì phải nhiều tuần hoặc nhiều tháng nữa mới được triển khai", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch Associates, nhận định.
Tuy nhiên, "những gì đang diễn ra ở Venezuela có thể trì hoãn việc giá dầu thử phá ngưỡng hỗ trợ 50 USD/thùng", ông Ritterbusch nói thêm.
Hiện tại, nguồn cung dầu toàn cầu vẫn đang dồi dào, một phần nhờ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh.
Ngân hàng Barclays cho rằng sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ có thể bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn nào từ Venezuela trong trường hợp lệnh trừng phạt được thực hiện. Barclays cũng hạ dự báo giá dầu Brent trung bình của năm 2019 về mức 70 USD/thùng từ 72 USD/thùng trước đó.
Sản lượng dầu Mỹ tăng mạnh đã đẩy tồn kho xăng dầu của nước này lên mức ngày càng lớn. Tuần trước, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng thêm 8 triệu thùng - theo số liệu do Cơ quan Năng lượng Mỹ công bố hôm 24/1. Ở mức 445 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ vượt 9% so với mức trung bình 5 năm cho thời điểm này của năm.