Giá dầu Brent đi xuống trong phiên giao dịch này sau khi Mỹ công bố báo cáo dự trữ dầu hàng tuần của nước này tăng mức kỷ lục.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu tại quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới này đã tăng 19 triệu thùng trong tuần trước, trong khi các cơ sở lọc dầu giảm công suất xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu giảm mạnh bởi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 19 xu Mỹ, tương đương 0,7%, xuống còn 27,50 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 7 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên mức 19,94 USD/thùng.
Chiến lược gia hàng hóa Stephen Innes tại AxiCorp cho biết: “Nguồn dự trữ dầu của Mỹ tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục gây áp lực đối với thị trường năng lượng trong phiên giao dịch hôm nay”.
Giới phân tích đã cảnh báo về nguy cơ dư cung dầu toàn cầu dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng lớn gấp 4 lần mức thực hiện hồi đầu năm 2019.
Nhóm OPEC+ cuối tuần qua đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu hhùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Theo tuyên bố của OPEC về thỏa thuận trên, mức cắt giảm sản lượng sẽ giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm nay và sau đó là 5,8 triệu thùng/ngày trong 16 tháng tiếp theo, đến cuối tháng 4/2022.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 15/4 dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay do các biện pháp phong tỏa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất của mình, IEA cho rằng nhìn chung nhu cầu “vàng đen” trong năm 2020 sẽ giảm 9,3 triệu thùng dầu/ngày. Cũng theo IEA, chỉ riêng trong tháng 4 này nhu cầu thế giới sẽ giảm 29 triệu thùng dầu/ngày, mức dư thừa kỷ lục từng ghi nhận vào năm 1995.
Tuy nhiên,đà giảm của giá dầu Brent được hạn chế trong phiên giao dịch hôm nay nhờ thông tin về việc cắt giảm nguồn cung nhiên liệu từ các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Thái tử Abdelaziz ben Salmane, cho biết OPEC+ có kế hoạch tiếp tục điều chỉnh sản lượng theo hướng cắt giảm tới 19,5 triệu thùng/ngày, thay vì gần 10 triệu thùng/ngày theo thoả thuận đạt được hôm 12/4.
Dẫu vậy, ngân hàng ING hôm 16/4 cảnh báo: “Với tác động từ việc siết chặt đi lại cũng như gián đoạn hoạt động sản xuất kinh tế tại nhiều nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan, thỏa thuận giảm sản lượng kỷ lục của OPEC+ chưa thể giúp cân bằng nguồn cung cầu trên thị trường trong ngắn hạn, điều này tiếp tục gây áp lực đối với đà phục hồi của giá dầu”.