Trong phiên giao dịch này, giá dầu mỏ thế giới chịu áp lực đi xuống khi xuất hiện thêm những dấu hiệu của sự gia tăng nguồn cung. Ngoài ra, nhà đầu tư lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/10, giá dầu Brent giảm 1,65 USD/thùng, tương đương 2,1%, còn 75,69 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 0,95 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, còn 66,09 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch này, có thời điểm giá dầu Brent rớt xuống mức 75,09 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 24/8. Giá dầu WTI giảm chỉ còn 65,33 USD/thùng, chạm đáy kể từ ngày 17/8.
Giá cả 2 mặt hàng dầu chủ chốt này cũng giảm khoảng 10 USD/thùng so với mức đỉnh 4 năm thiết lập trong tuần đầu tiên của tháng 10, đồng thời đang trên đà hoàn tất tháng giảm tệ nhất kể từ tháng 7/2016.
Dữ liệu do Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) công bố ngày 30/10 cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 5,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn mức dự báo tăng 4,1 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Giá dầu đã lao dốc theo đợt sụt giảm của thị trường tài chính toàn cầu mấy tuần qua, khi giá cổ phiếu chịu áp lực giảm mạnh vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ đã áp đặt thuế quan lên lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đã đáp trả với mức thuế đánh vào 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Hôm 29/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông tin tưởng sẽ có được một “thỏa thuận thương mại lớn” với Trung Quốc, song cũng cảnh báo về một đợt áp thuế mới trị giá hàng tỷ USD sẵn sàng áp thêm gói thuế mới nếu cuộc đàm phán giữa hai bên không mang lại kết quả gì.
"Đang diễn ra một cuộc tranh luận quanh việc liệu căng thẳng thương mại có thể gây tổn hại đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Ảnh hưởng như vậy là điều hoàn toàn có thể xảy ra", ông Bob Yawger - phụ trách mảng giao dịch hợp đồng tương lai thuộc Mizuho ở New York, nhận định.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cảnh báo rằng giá dầu tăng đang tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và có thể kéo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu suy giảm giữa lúc các hoạt động kinh tế toàn cầu có chiều hướng chậm lại.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, sản lượng dầu của Nga, Mỹ và Ả Rập Saudi - 3 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới - lần đầu tiên đạt 33 triệu thùng/ngày trong tháng 9 vừa qua. Sản lượng này đã tăng thêm 10 triệu thùng/ngày so với hồi đầu thập niên, và có thể đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới.
Theo dự kiến, Mỹ sẽ tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa của Iran từ tuần tới, và xuất khẩu dầu lửa của quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này đã giảm thời gian gần đây. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi và Nga đã cam kết sẽ bơm đủ dầu để đáp ứng nhu cầu sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp lên Tehran.