Thị trường năng lượng chịu áp lực trong phiên này do tâm lý lo ngại rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu dầu mỏ suy yếu.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của chính quyền Mỹ đối với các nhà xuất khẩu dầu thô Iran và Venezuela đã tạo lực đẩy quan trọng giúp giá dầu tiếp tục leo dốc trong phiên 7/5.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 12 xu Mỹ, tương đương 0,2% lên mức 71,12 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 5 xu Mỹ, lên mức 62,30 USD/thùng.
Các nhà giao dịch cho biết giá dầu bị tác động từ sự bấp bênh mới trong cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể sẽ phủ bóng mây và tác động tới đà tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu, cũng như nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ |
Khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại đã suy giảm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/5 tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thay vì mức 10% như hiện nay. Ông Trump cũng dọa sẽ áp thuế lên số còn lại hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.
Giới chức Mỹ ngày 6/5 cho biết ông Trump đi đến quyết định này do Trung Quốc rút lại một số cam kết trước đó mà hai bên đã đàm phán xong. Sự leo thang của bất đồng thương mại Mỹ - Trung có thể gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Công ty môi giới vận tải dầu Eastport nhận định: “Cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang xấu đi có thể làm thay đổi những dự báo của Eastport đối với các sản phẩm dầu mỏ”. Về tình hình nguồn cung, trụ đỡ quan trọng cho đà leo dốc của giá dầu trong phiên này sau khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ Iran .
Washington ngày 6/5 cho biết họ đang chuẩn bị triển khai một nhóm chiến hạm và lực lượng tiêm kích tới Trung Đông để gửi một thông điệp rõ ràng tới Iran rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào nhằm vào các lợi ích của Mỹ hay đồng minh của Mỹ sẽ bị đáp trả bằng "vũ lực không khoan nhượng".
“Động thái này của Mỹ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group ở Chicago nhận xét.
Việc Mỹ triển khai lực lượng trên tới Trung Đông diễn ra sau khi Washington vào tuần trước siết chặt lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm khiến xuất khẩu dầu của nước này về 0. Chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố chấm dứt sự miễn trừ cho phép 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được mua dầu Iran mà không phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Phía Iran cũng đe dọa sẽ có “hành động đáp trả” các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng nghĩa với việc một số chương trình hạt nhân có thể được “khởi động lại”.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn đã khiến hoạt động xuất khẩu dầu thô Iran sụt giảm 50% trong năm qua xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, và xuất khẩu dầu của Iran cho các khách hàng dự kiến giảm xuống mức thấp 500.000 thùng/ngày trong tháng 5/2019 do việc siết chặt các lệnh trừng phạt.
Ngoài Iran , Washington cũng đã áp lệnh trừng phạt đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, làm gián đoạn nguồn cung tại Venezuela - thành viên sáng lập của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Ngân hàng Goldman Sachs hôm 7/5 nhận xét: ”Chúng tôi dự báo giá dầu Brent sẽ phục hồi trong ngắn hạn, song trong vài tháng tới, thị trường dầu mỏ toàn sẽ cân bằng trở lại sau khi Washington khắc phục những điểm nghẽn trong hệ thống đường ống dẫn dầu ở Permian Basin, mỏ dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, và nguồn cung từ OPEC gia tăng.
Ngân hàng Goldman cho rằng giá dầu Brent sẽ giảm vào những tháng cuối năm nay, dự báo trong quý III giá mặt hàng dầu này chỉ còn 65,50 USD/thùng.
Trong khi đó, Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch nhận định rằng Ả Rập Saudi sẽ tăng dần sản lượng dầu sau khi nguồn cung từ Iran bị cắt giảm, đồng thời dự báo giá dầu thô Brent sẽ duy trì mức sàn 70 USD/thùng trong điều kiện thị trường hiện tại.