Giá khí đốt châu Âu giảm mạnh về mức trước bùng phát xung đột Nga-Ukraine

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu lao dốc mạnh trong tuần này xuống mức thấp nhất kể từ khi diễn ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Giá khí đốt châu Âu trong tuần này giảm mạnh về mức trước khi diễn ra xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: AP
Giá khí đốt châu Âu trong tuần này giảm mạnh về mức trước khi diễn ra xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: AP

Theo CNBC, giá khí đốt hợp đồng giao tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và là hợp đồng giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đã giảm trong những tuần gần đây xuống dưới 77 euro/MWh (81,91 USD), mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, trước khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine. Chốt phiên ngày 29/12, giá khí đốt tại châu Âu được giao dịch ở mức khoảng 81,5 euro/MWh.

Vào thời điểm tăng mạnh nhất hồi tháng 8, giá khí đốt của châu Âu đã lên tới 345 euro/MWh khi Nga hạn chế hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của EU.

Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng mạnh một phần cũng do các đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa hè đã thúc đẩy nhu cầu trong khi nguồn cung hạn chế. Giá khí đốt tăng cao đã gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên khắp châu Âu.

Tuy nhiên, thời tiết ấm áp bất thường trong suốt mùa Đông ở phần lớn Tây Bắc châu Âu đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm và cho phép lục địa này bổ sung lượng khí đốt dự trữ sau khi sử dụng gần hết kho dự trữ trong một số đợt lạnh giá trong vài tháng qua.

Ngân hàng Goldman Sachs vào tháng 11 đã dự đoán giá khí đốt châu Âu sẽ giảm mạnh trong những tháng tới khi các quốc gia tạm thời giành được ưu thế đề nguồn cung.

“Theo quy luật thông thường, việc tăng hoặc giảm giá khí đốt khoảng 100 euro/MWh sẽ làm thay đổi hóa đơn khí đốt của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tương đương khoảng gần 3% GDP khi các hộ gia đình và người tiêu dùng phải chịu toàn bộ chi phí do thay đổi giá khí đốt”, Holger Schmieding, kinh tế trưởng của Berenberg cho biết.

Chuyên gia này nói rằng tác động thực tế đối với hóa đơn nhập khẩu khí đốt là không rõ rệt khi EU nhập khẩu theo các hợp đồng giá cố định dài hạn. Tuy nhiên, giá điện hiện tại vẫn chủ yếu liên quan đến giá khí đốt, vì vậy việc giá nhiên liệu này hạ nhiệt cũng phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí năng lượng đối với người dân châu Âu”.

EU vào tuần trước đã nhất trí áp mức giá trần với khí đốt Nga và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.

Cơ chế “điều chỉnh thị trường” sẽ tự động được kích hoạt nếu giá tại trung tâm TTF của Hà Lan vượt quá 180 euro/MWh trong ba ngày liên tiếp và nếu giá này chênh lệch từ 35 euro trở lên so với giá tham chiếu là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu trong 3 ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần