Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá khí đốt châu Âu hạ nhiệt, giảm xuống dưới 1.950 USD/1.000 m3

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt giao tháng 1/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan giảm 8%, xuống còn 1.939,6 USD/1.000 m3 khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12.

Theo dữ liệu trên sàn giao dịch London, giá khí đốt ở châu Âu trong phiên ngày thứ Tư đã hạ nhiệt về mức dưới 1.950 USD/1.000 m3 sau khi thiết lập mức cao kỷ lục hơn 2.100 USD/1.000 m3 ở phiên ngày 21/12.
 Nga tiếp tục ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Yamal-châu Âu trong ngày 23/12. Ảnh: Tass
Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 1/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan giảm về mức 1.939,6 USD /1.000 m3, tương đương 166 Euro/MWh.
Giá khí đốt châu Âu hạ nhiệt trong phiên ngày 22/12 nhờ thông tin nguồn dự trữ khí đốt trong khu vực tăng cao. Hãng tin Tass ngày 22/12 cho biết lượng khí đốt bơm vào các kho chứa khí đốt ngầm của châu Âu đạt kỷ lục vào ngày 21/12 kể từ ngày bắt đầu bơm vào năm 2011, theo dữ liệu được Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) cung cấp.
Lượng khí đốt bơm vào các kho chứa ngầm của châu Âu đã vượt qua 762 triệu mét khối, đây là mức cao nhất không chỉ kể từ tháng 10/ 2021, mà còn kể từ khi bắt đầu bơm. Các kho chứa khí đốt ngầm của châu Âu đã được bơm đầy khoảng 58,26% vào ngày 21/12, tuy nhiên các kho này hiện còn 62,9 tỷ mét khối khí đốt, giảm 22 tỷ mét khối so với năm trước.
Giá khí đốt châu Âu đã tăng vọt trong ngày thứ Ba khi liên tiếp vượt ngưỡng 1.800 USD và 1.900 USD/1.000 mét khối ở đầu phiên giao dịch. Giá mặt hàng này có thời điểm trong phiên ngày 21/12 đã nhảy vọt lên mức cao nhất mọi thời đại với gần 2.200 USD/1.000 m3, và đóng cửa phiên giao dịch ở mức kỷ lục 2.190,4 USD/1.000 m3, tương đương 187,47 Euro mỗi MWh.
Theo các nhà phân tích, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng kỷ lục trong phiên ngày 21/12  có thể là phản ứng trước thông tin về việc giảm khối lượng khí đốt chuyển tải qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng việc ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Yamal-châu Âu không mang động cơ chính trị và không liên quan đến việc cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Trước đó, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom hôm 20/12 cho biết sẽ không dự trữ công suất cho việc vận chuyển khí đốt. Lựa chọn không xuất khẩu khí tự nhiên này diễn ra giữa bối cảnh nhu cầu năng lượng ở cả Nga và phần còn lại của châu Âu đều đạt đỉnh vào mùa đông. Nhiệt độ ban ngày ở Moscow tuần này dự đoán sẽ xuống dưới âm 20 độ C.
Theo dữ liệu của nhà vận hành Gascade (Đức), Nga đã dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu. Cụ thể, lượng khí trung chuyển qua đây đã giảm xuống chỉ còn 6% công suất thiết kế trong ngày 18/12 và xuống còn 5% trong ngày 19/12 trước khi còn 0% trong sáng ngày 21/12. Do thời tiết lạnh giá ở mùa đông cùng với nguồn cung hạn chế,  giá năng lượng tại châu Âu có xu hướng tiếp tục tăng mạnh.
Tuyến đường ống Yamal-châu Âu chạy từ vùng tây bắc Siberia tới Frankfurt-an-der-Oder ở miền đông nước Đức, qua Belarus và Ba Lan. Trong năm 2020, khoảng 20% lượng khí đốt của Nga tới khu vực Tây Âu được chuyển qua Belarus.