Theo hãng tin Reuters, giá khí đốt tại châu Âu leo dốc hơn 20% trong phiên giao dịch ngày 5/9 ngay sau khi tập đoàn năng lượng quốc gia Nga thông báo đóng cửa vô thời hạn đường ống khí đốt Nord Stream 1.
Cụ thể, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 10 tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan trong phiên giao dịch ngày 5/9 đã tăng 23%, tương đương 272 euro mỗi megawatt giờ (MWh).
Theo tờ The Guardian, nhiều nhà phân tích hôm 4/9 đã cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu - vốn đã tăng gần 400% trong năm qua do Nga cắt giảm nguồn cung - sẽ tăng hơn nữa trong tuần này, sau khi Moscow tuyên bố tiếp tục đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới Đức sau thời gian bảo trì.
Châu Âu từng kỳ vọng tập đoàn Gazprom sẽ mở lại đường ống ở mức 20% công suất sau khi quá trình bảo dưỡng kết thúc hôm 2/9 vừa qua. Hy vọng này đã khiến cho giá khí đốt tại trung tâm giao dịch TTF) ở Hà Lan vào ngày 2/9 giảm gần 40% so với mức đỉnh lịch sử trong phiên 26/8, còn khoảng hơn 200 euro/MWh. Tuy nhiên, hôm 3/9, Nga bất ngờ thông báo sẽ không mở lại Nord Stream 1 do vấn đề kỹ thuật mới phát sinh trong quá trình bảo dưỡng.
Chi phí điện tại châu Âu tăng chóng mặt do giá khí đốt tăng cao đã buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng - bao gồm cả các nhà sản xuất phân bón và nhôm - phải thu hẹp quy mô sản xuất và khiến các chính phủ EU phải “bơm” hàng tỷ USD vào các chương trình hỗ trợ các hộ gia đình.
Chuyên gia cấp cao về hàng hóa tại Aurora Energy Research, ông Jacob Mandel, nhận định mức độ ảnh hưởng của việc cắt giảm nguồn cung sẽ phụ thuộc vào khả năng của châu Âu trong việc tìm kiếm khí đốt từ các nguồn khác. “Nguồn cung rất khó kiếm và việc thay thế các nguồn khí đốt không đến từ Nga ngày càng trở nên khó khăn hơn” - ông Mandel cho hay.
Theo một tài liệu sơ bộ được hãng tin Reuters tiết lộ, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 tới để thảo luận về các biện pháp khẩn cấp trong toàn khối nhằm ứng phó với sự tăng giá khí đốt và giá điện sau khi Nga hạn chế cung cấp khí đốt cho EU, vốn đang tác động mạnh đến ngành công nghiệp của châu Âu và làm tăng các hóa đơn sinh hoạt của các hộ gia đình.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng sẽ xem xét các biện pháp bao gồm giới hạn giá khí đốt nhập khẩu, giới hạn giá khí đốt dùng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại bỏ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện hành của EU.