95 năm ngày thành lập đảng

Giá khí đốt phá kỷ lục, EU khó tránh cuộc khủng hoảng năng lượng mới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2023 trong bối cảnh dự trữ năng lượng của khu vực chạm mức thấp nhất trong nhiều năm.

Liên minh châu Âu (EU) đang bước vào giai đoạn đầy thách thức khi nguồn dự trữ khí đốt giảm mạnh và rủi ro giá năng lượng biến động do chính sách thuế quan của Mỹ.

Giá khí đốt tại châu Âu chạm mưc cao nhất trong 2 năm. Ảnh: Energydigital.com
Giá khí đốt tại châu Âu chạm mưc cao nhất trong 2 năm. Ảnh: Energydigital.com

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã lập kỷ lục mới khi chạm mức cao nhất trong 2 năm khi chốt phiên giao dịch đầu tuần này trong bối cảnh khí đốt được rút khỏi các cơ sở lưu trữ của châu lục này nhanh chóng do nhiệt độ lạnh hơn.

Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch liên lục địa (ICE), giá khí đốt tại châu Âu trong phiên ngày 10/2 đã nhảy vọt lên tới 620 USD/1.000 mét khối (tương đương 58 euro/megawatt giờ), tăng hơn 4% và ghi nhận mức mức cao nhất kể từ tháng 2/2023.

Trước đó, giá khí đốt tại EU đã thiết lập mức cao kỷ lục hơn 590 USD/1.000 mét khối vào tháng 1 sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga. Hợp đồng kéo dài 5 năm giữa Kiev và tập đoàn năng lượng Nga Gazprom hết hạn vào ngày 31/12/2024, cắt đứt nguồn cung khí đốt cho Hungary, Romania, Ba Lan, Slovakia, Áo, Italia và Moldova.

Khu vực Tây Bắc Âu đang chuẩn bị cho nhiệt độ đóng băng trong những ngày tới, đó là lý do khiến các nhà giao dịch trên thị trường nhận định nhu cầu khí đốt sẽ tiếp tục tăng kỷ lục trong thời gian sắp tới.

Mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn có nguy cơ làm cạn kiệt thêm kho dự trữ khí đốt của EU, vốn đã ở mức thấp nhất trong thời điểm này trong năm kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022. 

"Nguy cơ EU bước vào mùa xuân với lượng khí đốt dự trữ rất thấp đã tăng lên trong vài tuần qua. Chúng tôi dự báo giá loại nhiên liệu này tiếp tục biến động mạnh trong những tháng tới” - chuyên gia năng lượng Arne Lohmann Rasmussen tại Global Risk Management nhận định.

Bên cạnh vấn đề thời tiết, các nhà giao dịch cũng đang theo dõi chặt chẽ tác động của thuế quan của Mỹ và các biện pháp trả đũa có thể xảy ra.

Theo hãng tin Bloomberg, các biện pháp trả đũa thuế quan giữa Mỹ và EU có khả năng làm tăng chi phí nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), mặt hàng mà Mỹ hiện là nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu.

Nguồn khí đốt Nga xuất khẩu sang EU đã giảm mạnh do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến sự tại Ukraine và vụ phá hoại đường ống Nord Stream hồi tháng 9/2022.

Dự trữ khí đốt của EU chạm đáy 5 năm

Dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe (GIE) cho thấy, lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất (UGS) tại châu Âu đã giảm xuống dưới mức 50%, trong khi tốc độ rút khí đốt trong tháng 2 đang tiến gần đến mức cao kỷ lục.

Kể từ đầu mùa “sưởi ấm”, EU đã sử dụng hơn một nửa lượng nhiên liệu tích trữ cho mùa đông, với tổng lượng khí rút ra lên đến 53,2 tỷ m3.

Mùa rút khí đốt từ các kho dự trữ ngầm của châu Âu năm ngoái kết thúc vào ngày 31/3/2024, lượng tồn kho nhiên liệu vẫn đạt 58,44% - mức cao nhất từng được ghi nhận của GIE.

Hiện tại, các cơ sở UGS của châu Âu chỉ còn đầy 49,99%, thấp hơn 8,18% so với mức trung bình 5 năm của cùng thời điểm. Con số này không chỉ thấp hơn so với cuối mùa thu/đông năm ngoái mà còn thấp hơn mức được báo cáo vào cuối các mùa sưởi ấm 2019-2020 và 2022-2023.

Theo hãng tin Bloomberg, kho dự trữ khí đốt của châu Âu hiện chỉ đạt khoảng 49%, thấp hơn nhiều so với mức 67% vào cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tốc độ tiêu thụ khí đốt trong tháng này đang ở mức cao (đứng thứ hai trong lịch sử của tháng 2), tổng lượng nhiên liệu trong các kho UGS vẫn là mức cao thứ tư từng được ghi nhận vào đầu tháng 2, với 55,5 tỷ m3 khí đốt.

Dự báo tiêu thụ khí đốt ở châu Âu sẽ tăng 17% trong tháng này so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu từ hộ gia đình và thương mại, theo báo cáo của Công ty phân tích hàng hóa cơ bản (ICIS).

Trong khi đó, giai đoạn bảo dưỡng tại các cơ sở sản xuất khí đốt của Na Uy vào mùa hè năm nay cũng có thể hạn chế nguồn cung nhiên liệu cho EU.