Có thể nói, chưa lúc nào nước ta lại có nhiều dự án đầu tư xây dựng lớn như hiện nay. Với lĩnh vực giao thông là các “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cùng hàng loạt công trình lớn, nhỏ phân bổ trên khắp mọi miền cả nước.
Tương tự, lĩnh vực bất động sản cũng sôi động không kém với hàng trăm, hàng nghìn dự án xây dựng nhà, khu đô thị từ các TP lớn cho đến tỉnh lị xa xôi.
Nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, Việt Nam trông như một đại công trường, sôi động, hối hả làm việc suốt ngày đêm. Chỉ một thời gian nữa thôi, khi đại công trường đó hoàn công, những “siêu dự án” hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ mang đến một bộ mặt mới cho cả đất nước, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, để viễn cảnh đó sớm trở thành hiện thực, chúng ta sẽ phải vượt qua một rào cản không nhỏ, đó chính là câu chuyện vướng mắc về đất đai và vật liệu xây dựng. Đây chính là bài toán khó vẫn chưa tìm ra lời giải.
Một khi vướng mắc trên không được tháo gỡ kịp thời, hệ quả nhãn tiền mà các dự án phải đối mặt chính là chậm thi công, vỡ tiến độ từ đó kéo theo hàng loạt những hệ lụy đáng lo ngại khác. Chẳng nói đâu xa, ngay tại “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã và đang nếm trải điều này. Với tính chất là dự án trọng điểm quốc gia, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc để triển khai cao tốc Bắc – Nam nhưng cũng không giúp dự án tránh được rào cản này.
Đầu tiên là vấn đề mặt bằng. Thiếu mặt bằng sạch khiến các nhà thầu dù đang thừa nhân lực và vật lực cũng đành bó tay đứng nhìn, không cách nào đẩy nhanh được tiến độ thi công. Ngay sau vấn đề mặt bằng, các nhà thầu tiếp tục đối mặt với một rào cản khác còn nan giải hơn, đó là vật liệu xây dựng. Vật liệu đắp nền thiếu trầm trọng, vật liệu xây dựng thì vừa thiếu vừa đội giá khiến nhiều nhà thầu cao tốc Bắc – Nam rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, chưa làm xong dự án đã thấy rõ nguy cơ thua lỗ, nợ nần. Điều đáng nói là câu chuyện này đã kéo dài suốt nhiều năm qua, vắt từ dự án này sang dự án khác nhưng vẫn không tài nào tìm ra lời giải bất chấp các bộ, ngành, địa phương liên tục họp bàn và đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tập trung tháo gỡ vấn đề này. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố. Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép.
Về phía các địa phương, nhiều tỉnh, TP cũng vào cuộc quyết liệt để chung sức với Chính phủ, các bộ, ngành cùng tháo gỡ. Trong đó có TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch, ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 5.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc khẩn trương của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta có quyền hy vọng bài toán sao mang tên mặt bằng và vật liệu xây dựng sẽ sớm tìm ra lời giải trong thời gian sớm nhất, để những dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc cũng như bất động sản tăng tốc, băng băng về đích.